Chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ sang trồng cao su và dự án trồng mới 1 triệu hecta cao su của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tạo ra cơn sốt cây giống ở khắp nơi. Gần đây, nhiều người dân các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai liên tục bị thiệt hại do mua phải cây giống kém chất lượng nên mới trồng đã chết hàng loạt.
Theo ông Hoàng Duy Quế, hiện tượng cao su bị chết đồng loạt là do cây giống kém chất lượng, được mua từ hàng trôi nổi. Ảnh: Giang Sơn
Trong vài năm nay, nhiều người dân ở Dăk Lăk đua nhau phát triển vườn cây cao su tiểu điền. Vì quá thiếu nguồn cây giống, các hộ nông dân, chủ trang trại phải mua cây giống của những chủ vườn ươm nghiệp dư và mua cây giống từ các tỉnh ngoài đưa về trồng. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh chưa kiểm soát được nguồn cây giống trôi nổi trên thị trường và không khuyến cáo nông dân sử dụng loại đất để trồng loại cây công nghiệp này.
Mua cây bán dạo
Với việc mua cây giống từ những cơ sở sản xuất giống chưa được cấp giấy phép về tiêu chuẩn chất lượng và nguồn giống từ ngoài tỉnh không đạt chất lượng đang là mối lo ngại cho những chủ hộ trồng cao su về hiệu quả sản xuất kinh doanh sau này. Thực tế sản xuất kinh doanh, cây cao su vừa cung cấp sản phẩm mủ và gỗ nguyên liệu. Với điều kiện chăm bón bình thường, sau bảy năm trồng, cây cao su mới đưa vào khai thác mủ. Nhưng việc trồng cây giống cao su không biết rõ nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng, người nông dân khó biết được về hiệu quả sản xuất kinh doanh về sau.
Trên địa bàn Dăk Lăk có ba đơn vị trồng cao su là công ty cao su Dăk Lăk do địa phương quản lý, công ty TNHH một thành viên cao su Krông Buk và công ty cao su Ea H’leo thuộc tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Các đơn vị quốc doanh sản xuất được cây giống cao su chất lượng cao, nhưng số lượng vừa đủ để trồng theo kế hoạch.
Trong khi đó, nhiều người dân tại tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng đã gửi đơn khắp nơi để kêu cứu về tình trạng cao su giống chết đồng loạt do kém chất lượng. Tại Gia Lai, ông Phạm Lực nhận trồng hơn 4 hecta cao su tại huyện Mang Yang vào tháng 2.2010 từ chủ trương chuyển diện tích rừng tự nhiên chuyển sang cao su tiểu điền từ nguồn đất kém hiệu quả. Do cùng một lúc nhiều tỉnh cùng thực hiện dự án trồng cao su nên cao su giống trên thị trường trở nên khan hiếm. Do đó, ông Lực phải mua giống từ những người chở đi bán dạo. Sau khi đào hố, trồng được hơn 8.000 cây, đang trong giai đoạn trồng dặm thì cao su con chết đồng loạt.
Tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, vợ chồng ông Nguyễn Trần Bảy vốn là ngư dân tận đảo Phú Quý lên bờ lập nghiệp, trồng 7 hecta cao su cho biết do khan giống nên phải đặt từ các thương lái ở tận Đồng Nai chuyển về. Cách đây bốn tháng, trong 7 hecta cao su mới trồng thì có tới 3 hecta chết trụi. “Bao nhiêu công lao vốn liếng đổ vào vụ này coi như trắng tay. Gọi lại cho các thương lái thì không liên lạc được”, ông Bảy nói.
Đợi sáu tháng mới có cây giống chất lượng
Một cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh cho biết, do cao su giống đang trong tình trạng cầu vượt quá cung, nên giá cao su giống bị đẩy lên rất cao. Một số thương lái còn tung tiền gom cao su giống rồi găm hàng, làm cho thị trường nóng lên rồi bán với giá cao để kiếm lời. Mặt khác, do nhiều vườn ươm giống chạy theo lợi nhuận, cung cấp cao su kém phẩm chất nên huyện này có hàng chục hộ dân đang điêu đứng vì tình trạng cao su chết đồng loạt. Có nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì đổ vốn trồng cao su, giờ chẳng biết kêu ai.
Ông Hoàng Duy Quế, phó giám đốc kỹ thuật viện Nghiên cứu cao su tiểu điền Việt Nam cho biết, hiện nay, người trồng cao su muốn có giống phải đặt hàng tại viện và phải đợi sáu tháng sau mới có. Từ tháng 3.2010 đến nay, cao su giống trên thị trường đang thiếu trầm trọng. Do các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc đang triển khai chương trình trồng 1 triệu hecta cao su từ nay đến 2015 nên nguồn giống càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Theo ông Quế, qua khảo sát một số nơi có cao su giống chết hàng loạt thì phát hiện cây giống chủ yếu được người dân mua từ hàng trôi nổi chứ không qua các công ty giống cây trồng có phép.
Giang Sơn – N.T.T – SGTT.vn