Một vườn cao su thu hoạch đầu vụ bình quân 40 kg mủ nước/ha/ngày, nay giảm còn 30 kg sau khi bị gãy đổ
Không ít vườn cây cao su tư nhân bị gãy đổ do cơn bão số 1 đầu tháng 4 vừa qua, nay lại gánh thêm giá mủ xuống thấp khiến nhiều nhà vườn rầu não ruột.
Đặc biệt, nhiều người lỡ bỏ bạc tỷ ra mua cao su để kinh doanh nay rơi cảnh… méo mặt!
Ông Nguyễn Thanh Minh, GĐ một công ty địa ốc ở Thủ đức, TPHCM thấy mủ cao su năm ngoái vẫn còn đứng giá cao, trong khi kinh doanh bất động sản đóng băng. Nghe người quen mách bảo, vào tháng 1/2012 ông thế chấp vay ngân hàng NN-PTNT số tiền 3 tỷ để mua đứt 2 ha cao su đang khai thác của ông Phạm Viết C ở ấp Sa Thêm (Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương) với giá 1,1 tỷ/ha. Tưởng đâu giá mủ đầu vụ cao như mọi năm, ai ngờ xuống thấp khiến ông chưng hửng.
Ông Minh làm phép tính: mua 2ha cao su hết 2,2 tỷ, trả lãi vay 16,5%/năm (1,37%/tháng) tức 30 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng. Trong khi đó, ông cho công nhân cạo chế độ D2 (1 ngày cạo, 1 ngày nghỉ), 1 tháng cạo 15 ngày, mỗi ngày cạo thu được 40 kg mủ nước/ha. “Hôm nay (24/5), tôi cạo 2 ha cân được 82,5 kg mủ nước hàm lượng 32,5 độ bán giá 575 đồng/độ, thu 1.542.000 đ, 1 tháng có 15 ngày cạo thu về 23.125.000 đ, chưa tính trả tiền công cạo mủ và chi phí phân bón đầu tư thì vẫn không đủ tiền trả lãi ngân hàng”.
Ông Phan Tài, vốn là một đại gia trong ngành xây dựng, năm 2010 ông cũng bỏ ra 2,4 tỷ để mua 3 ha cao su (800 triệu/ha) đang khai thác ở xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho biết: năm 2011 sau một mùa khai thác 9 tháng, ông thu về gần 200 triệu/ha sau khi đã trả lương quản lý, công nhân cạo mủ… với giá bán bình quân 750 đ/độ. Năm nay, họa vô đơn chí vườn cây của ông Tài còn bị dính cơn bão số 1 xảy ra vào ngày 1/4 vừa qua làm 15% vườn cây ngã đổ nên cũng giống như ông Minh, thu nhập từ tiền cạo mủ ngay từ đầu vụ chưa đến 25 triệu/tháng, không đủ trả lãi vay.
Điều đáng nói là, việc thuê lao động kỹ thuật để cạo mủ cũng như nhân viên bảo vệ vườn cây tư nhân hiện rất khó khăn. Ông Tài nói bức xúc: “Chúng tôi bỏ ra số tiền không nhỏ để đầu tư nhưng thực tế khâu quản lý rất khó khăn, nhất là đối với công nhân cạo mủ lành nghề không dám nói nặng lời vì sợ họ bỏ việc ngang giữa mùa rất khó kiếm người thay. Mặc dù trả công 1 ngày cạo (thực tế có 3 tiếng đồng hồ) là 120 ngàn nhưng cũng khó kiếm được do lao động (nam, nữ) tại chỗ xin vào làm công nhân các KCN nằm trên địa bàn hết, còn đi cạo thì phải thức khuya dậy sớm nên không ai muốn. Thậm chí, giữa người cạo và bảo vệ họ cấu kết với nhau ăn cắp mủ để chia chác thì mình cũng bó tay!”.
“Trồng dặm không được, cưa bỏ thì uổng. Bây giờ chỉ chờ có giá cao su lên, nếu như ở mức hiện nay thì người trồng cao su có từ 2 ha trở lênmới có dư giả chút đỉnh” – ông Tâm nói.
Anh Nguyễn Hoàng Trọng ở ấp Tân Lập (An Điền, Bến Cát) trồng có 1 ha cao su nhưng cũng bị dính bão làm vườn cây bị đổ ngã 30% khiến năng suất giảm, thu nhập cũng chỉ bằng phân nửa so năm ngoái. Sau khi lật cuốn sổ nhỏ ghi chép, chỉ tay vào số liệu còn lưu giữ, chị Oanh (vợ anh Trọng) nói: “Năm ngoái vào ngày 24/5 gia đình tôi bán được 43,5 kg mủ nước hàm lượng 32,5 độ giá 915 đồng vị chi thu được 1.278.000 đ; còn ngày 24/5/2012 thu có 30 kg mủ hàm lượng 30,7 độ giá 575 đ/độ, thu về 557.000 đồng, tức 1 tháng thu nhập chưa tới 7 triệu sau khi trừ hết chi phí. Rõ ràng, chỉ vừa đủ sống thôi!”.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Nguyên cho biết, toàn xã có trên 4.000 ha cao su tiểu điền, trong đó có 18.000 cây cao su đang khai thác bị gãy đổ. Hiện do giá cao su đang xuống, gần như các hộ nông dân đều giảm mức chi phí đầu tư phân bón, thay vì mỗi lần đầu tư khoảng 6 triệu tiền phân bón (1 năm bón 2 lần) thì nay giảm còn 3-4 triệu/ha. “Tâm lý nông dân là vậy, khi thấy giá cao thì dốc sức đầu tư, có hộ tận thu khai thác mủ suốt cả năm không cho cây cao su có thời gian nghỉ để phục hồi, nay giá giảm thì người ta lo sợ giá còn giảm nữa nên đầu tư cầm chừng để nghe ngóng”.
Theo ông Lê Thành Tâm (Phó phòng Kinh tế huyện Bến Cát), toàn huyện có 161.370 cây cao su đang khai thác bị gãy đổ tương đương 293,4 ha, nên không chỉ ảnh hưởng sản lượng của năm nay mà cả những năm tiếp theo.
Theo Nông nghiệp Việt Nam