Vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã tiến hành thẩm định quy hoạch ngành nghề chế biến sản phẩm cao su trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày hiện trạng phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm cao su trên địa bàn tỉnh; dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển ngành; quy hoạch phát triển ngành, nhu cầu vốn, các giải pháp và cơ chế chính sách…
Theo đó, đến năm 2020, công suất chế biến mủ cao su đạt 280.000 tấn/năm, công nghiệp chế biến thành phẩm đạt 8.400 tấn/năm. Năm 2015, tất cả các cơ sở chế biến phải đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và sẽ di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các cụm, khu công nghiệp sản xuất tập trung. Giai đọan 2011 – 2015 sẽ tập trung phân phối sản phẩm gia dụng cho thị trường trong nước và thu hút khảng 1-2 nhà máy chế biến săm, lốp xe với công suất từ 3-5 triệu sản phẩm/năm vào các khu công nghiệp của tỉnh. Nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp chế biến các sản phẩm cao su khoảng 1.582 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2011 – 2020 đầu tư khoảng 50% tổng số vốn và có thể huy động từ ngân sách, các doanh nghiệp và nguồn vốn tài trợ.
Ông Bùi Văn Thạch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, khẳng định phương pháp thực hiện quy hoạch về cơ bản đã đạt yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần bổ sung, chỉnh sửa trước khi trình UBND tỉnh ban hành như: Phải làm rõ hơn hiện trạng ngành công nghiệp chế biến cao su trên địa bàn tỉnh về quy mô, công nghệ, ô nhiễm môi trường; phải có quy hoạch theo vùng cả về trồng và chế biến. Đồng thời, để đánh giá, định hướng cho ngành sản xuất, chế biến cao su, đơn vị tư vấn phải đi khảo sát lấy mẫu tại 7 công ty cao su Nhà nước trên địa bàn tỉnh để bổ sung, hoàn thiện bản quy hoạch.
Nguồn: Tạp chí Cao su Việt Nam