Thị trường diễn biến bất lợi, giá cao su giảm sâu, nhiều công ty thực sự lo lắng trong khâu tiêu thụ, thì vẫn có một số đơn vị “sống khỏe”.
Đơn cử như Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Theo ông Nguyễn Tiến Đức – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, 8 tháng đầu năm 2012, công ty đã tiêu thụ 22.984 tấn sản phẩm các loại, giá bán bình quân 71 triệu đồng/tấn, doanh thu cao su đạt 1.630 tỉ đồng, lợi nhuận cao su 516 tỉ đồng. “Giá bán bình quân, doanh thu, lợi nhuận tuy không thể bằng so cùng kỳ năm 2011, nhưng tình hình tiêu thụ cao su của công ty vẫn sáng sủa”, ông Đức khẳng định.
Theo ông Đức, được vậy là do từ lâu Cao su Dầu Tiếng đã xây dựng được chiến lược thị trường và khách hàng ổn định, tin cậy lẫn nhau, cùng chia sẻ lợi ích trong mọi hoàn cảnh. Trong đó, phần lớn khách hàng của công ty là ở Châu Âu, Nhật, Singapore… vốn rất khó tính, nhưng một khi đã chiếm được lòng tin của họ thì hoàn toàn yên tâm hợp tác lâu dài, bền vững.
Nhờ vậy, trong những thời điểm thị trường tiêu thụ cao su gặp nhiều bất lợi, giá lao dốc, nhiều khách hàng trở mặt, “lật kèo”, o ép phía bán thì khách hàng của công ty vẫn “chung thủy”, vẫn cam kết nhận hàng đúng hợp đồng.
Ông Đức cho biết, hiện 85% sản lượng cao su của công ty là để xuất khẩu, trong đó hợp đồng dài hạn luôn giữ ở mức ổn định trên 80% từ nhiều năm nay. Trong 22.984 tấn sản phẩm đã tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu chiếm đến 18.818 tấn.
Với phương châm “cùng có lợi”, công ty luôn lắng nghe những ý kiến phản ánh của khách hàng để kịp thời chia sẻ rủi ro và san sẻ lợi ích với khách hàng. Cụ thể như thời gian qua, khi khách hàng của công ty phản ánh việc mua hàng bằng các hợp đồng dài hạn không có lợi bằng hàng chuyến, công ty đã ghi nhận và bàn bạc lại với khách hàng công thức bán hàng sao cho “thượng đế” không bị thiệt. Có người mua thì người bán mới tồn tại.
Ông Đức nói thêm, “Công ty có kế hoạch chủ động trữ hàng của công ty để giao hàng cho các hợp đồng dài hạn, đặc biệt là vào quý I hàng năm khi cây cao su ngừng cạo. Cam kết giao hàng đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng và thời hạn chính là uy tín và thương hiệu của công ty”. Đây là chiến lược bán hàng luôn coi trọng “chữ tín”, bền vững chứ không phải theo kiểu “tham bát bỏ dĩa”, “có mới nới cũ”.
Nhận định về tình hình tiêu thụ 3 tháng cuối năm, ông Đức cho rằng tuy khó đạt như kỳ vọng ban đầu, nhưng với sự đảm bảo về thị trường và khách hàng ổn định, với riêng Cao su Dầu Tiếng, tình hình không quá bi quan. Dù vậy, Ban lãnh đạo công ty không chủ quan mà đã cùng ngồi lại bàn bạc và đưa ra các tình huống, kịch bản khác nhau để kịp thời đề ra giải pháp ứng phó hợp lý một khi giá cao su giảm thêm.
Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp cao su đang “mất ăn mất ngủ” lo cho đầu ra sản phẩm do lâu nay chủ yếu bán hàng chuyến qua mậu biên Trung Quốc theo kiểu “ăn xổi, ở thì”, thì việc Cao su Dầu Tiếng vẫn “sống khỏe” nhờ vào một chiến lược thị trường và khách hàng đúng đắn, là rất đáng để suy ngẫm, tham khảo và học hỏi.
Phú Vinh
Theo Tạp chí CSVN