Các nông trường Thanh Trung, Sa Sơn… thuộc Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum (Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam) thời gian qua liên tục xảy ra nạn trộm cắp, khai thác trái phép mủ. Mặc dù công ty đã triển khai nhiều biện pháp đối phó nhưng tình trạng này chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng “nóng” hơn.
Công khai trộm mủ
Đến Nông trường Thanh Trung vào một ngày trung tuần tháng 9, những lô cao su hiện ra trước mắt chúng tôi xơ xác như bị vắt kiệt sức. Lẽ ra trong giai đoạn hiện tại, cây cao su đang ở độ sung mãn, tươi tốt nhất, nhưng trái lại ở nông trường này lại tiêu điều đến xót xa. Từ đầu mùa đến giờ, lãnh đạo nông trường, lực lượng bảo vệ và các hộ gia đình công nhân như ngồi trên đống lửa bởi nạn trộm cắp mủ hoành hành. Có vườn cây bị kẻ gian khoắng sạch, không chừa lại cho khổ chủ lít mủ nào để nộp khoán.
Dẫn chúng tôi đi xem vườn cao su ở xã Kroong, TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), nơi cách đây vài tháng bị các đối tượng trộm cắp mủ ồ ạt kéo vào phá vườn, khai thác mủ trái phép, ông Nguyễn Khắc Hoàng Phú, Giám đốc Nông trường cao su Thanh Trung, thở dài cho biết: “Nông trường có gần 600ha cao su trải rộng trên địa bàn xã Đắk La (huyện Đắk Hà, Kon Tum) và các xã Vinh Quang, Ngọc Bay, Kroong (TP.Kon Tum). Vườn rộng nhưng lực lượng bảo vệ mỏng, trong lúc các đối tượng trộm cắp mủ lại manh động và hoạt động suốt ngày đêm nên chúng tôi gần như bị vây kín. Cứ trông đằng trước họ lấy đằng sau, trông hai đầu họ lấy ở giữa. Ngoài khai thác mủ trái phép, họ còn tháo kiềng, máng… gây ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây của nông trường”.
Nhìn hàng loạt cây cao su xanh tốt đang thời kỳ sung sức bị chặt phá, từ thân cây dòng nhựa trắng đục thi nhau rỉ xuống khiến ai cũng chạnh lòng. Trước đây, tình trạng này chỉ xảy ra rải rác mỗi lô vài cây, nhưng từ đầu mùa cạo mủ năm 2012 thì trở nên nghiêm trọng, nhất là ở khu vực các xã Ngọc Bay, Kroong. Điển hình như vụ chặt phá ở lô cao su của gia đình công nhân Đinh Thị Thanh Tâm vào đầu tháng 6. Chỉ trong một đêm đã có gần 300 cây bị chặt phá sâu vào thân, ước tính thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng, chưa kể những ảnh hưởng lâu dài về tuổi thọ và khả năng cho mủ của cây vào những mùa sau. Hay vụ trộm cắp mủ tại lô số 39, vườn cao su Thanh Trung, xã Kroong do khoảng 50 người dân tộc thiểu số ra tay vào trung tuần tháng 5. Những đối tượng này tự ý vào vườn tháo kiếng, máng, khai thác mủ trái phép với diện tích khoảng 5ha, lấy đi khoảng 500kg mủ…
Cho đến thời điểm này, tại các nông trường cao su Tân Lập, Thanh Trung, Sa Sơn, lãnh đạo Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum cho hay việc trộm cắp mủ của các đối tượng xấu đã làm đơn vị thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trong đó, tổn thất lớn nhất mà các nông trường phải gánh chịu là việc một số đối tượng vì cạo trộm mủ mà phá hoại vườn cây, dùng dao chặt sâu vào thân cây phía trên vị trí miệng cạo kỹ thuật của công nhân để lấy mủ, nhẹ thì làm cho vỏ ở những chỗ này không còn lấy mủ được, nặng có thể gây hại đến vụ sau, thậm chí làm chết cây.
Theo Giám đốc Nguyễn Khắc Hoàng Phú, phần lớn đối tượng trộm cắp mủ đều thuộc diện thiếu đất sản xuất, không có việc làm hoặc lười lao động. Đặc biệt, tham gia “đội quân” còn có rất nhiều phụ nữ, trẻ em, trong đó có những đứa trẻ chỉ mới 5-6 tuổi, hầu hết đều có “thâm niên” trong nghề và đã nhiều lần tái phạm. Với những đối tượng này, khi bắt được, nông trường chỉ có thể lập biên bản, vận động, giáo dục rồi cho về chứ không thể xử phạt nên không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, việc tư thương công khai thu mua mủ cao su của các đối tượng trộm cắp cũng góp phần làm cho vấn nạn này càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Hiện tại không ai thống kê hết có bao nhiêu điểm thu mua mủ cao su của tư thương trên địa bàn Nông trường Thanh Trung. Phương thức của họ rất linh hoạt: mua bằng tiền hoặc lấy hàng đổi hàng (bánh kẹo, cá mắm…) nên dễ thu hút phụ nữ, trẻ em tham gia. Tình trạng này xảy ra hầu như ở tất cả các nông trường trực thuộc Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum như: Sa Sơn, Tân Cảnh, Plei Kần…
Tự do mua bán, sang nhượng
Ngoài việc bị khai thác mủ trái phép, lãnh đạo các nông trường trực thuộc Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum còn đau đầu trước nạn mua bán, sang nhượng trái phép vườn cao su diễn ra nhiều năm qua tại một số nông trường Thanh Trung, Tân Lập, Hòa Bình (TP.Kon Tum), Sa Sơn (huyện Sa Thầy), Đội cao su Đắc Sút… Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Nông trường Thanh Trung tổng diện tích mua bán, sang nhượng là 40,52ha, Tân Lập 60,73ha, Hòa Bình 77, 51ha, Đội cao su Đắc Sút 1,92ha; nhiều nhất là ở Nông trường Sa Sơn, lên đến 217,08 ha với số tiền gần 9 tỷ đồng…
Đặc biệt, tại Nông trường Sa Sơn, có một số người ở Vũng Tàu, Bình Dương, TPHCM, người Hoa… đến bỏ ra số tiền lớn mua vườn cây, sau đó thuê lao động trung gian địa phương đứng ra quản lý trái phép và tổ chức đấu thầu việc khai thác mủ, ăn chia theo tỷ lệ mà họ đặt ra. Phần đông người được thuê không có chứng chỉ đào tạo nghề cạo mủ nên gây thiệt hại nặng nề cho vườn cây. Ngoài ra, họ còn dùng thuốc kích thích bị cấm sử dụng để cây tiết nhiều mủ. Việc làm trên sẽ khiến cây kiệt sức, giảm tuổi thọ hoặc chết, năng suất khai thác mủ giảm xuống nhiều kể cả khi vườn cây được phục hồi. Thiệt hại này khó mà tính hết.
Đáng chú ý, hầu hết những người mua bán vườn cây cao su đều biết việc này là trái luật và vi phạm cả những cam kết mà trước đây họ từng tự nguyện viết bằng văn bản nhưng vẫn cố tình vi phạm. Việc mua bán, chuyển nhượng này chỉ bị phát hiện khi Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum thực hiện phương án khoán mới và đổi thửa. Trước đây, những hộ nhận khoán này phản ứng, khiếu kiện, cho rằng tỷ lệ ăn chia 40/60 (công ty 60 phần, hộ nhận khoán 40 phần) là thấp. Nhưng khi phương án khoán mới được điều chỉnh lên cao hơn nhiều so với khoán cũ, tỷ lệ 45,33/54,67 (công ty 54,67 phần, hộ nhận khoán 45,33 phần; trang thiết bị, máng, chén, dao cạo… đều do công ty đầu tư), các hộ nhận khoán vẫn không ký hợp đồng mới. Nguyên nhân là họ “được voi đòi tiên”, yêu cầu đòi đất vì cho rằng do mình khai hoang; trong khi diện tích trên UBND tỉnh đã thu hồi, cho Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum thuê và công khai hoang cũng đã được đền bù.
Về những bất ổn ở các vườn cây cao su nằm trên địa bàn TP.Kon Tum, trong thông báo ngày 31-7-2012 do ông Phan Văn Thế, Chủ tịch UBND TP.Kon Tum, ký nêu rõ: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. UBND TP.Kon Tum không thừa nhận việc đòi lại đất đã được UBND tỉnh cho Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng để dùng vào mục đích trồng cây cao su. Mọi hành vi khai thác, phá hoại tài sản, vườn cây và tự ý lấy kiềng, chén, máng thu mủ cao su trên phần diện tích đất của công ty này là vi phạm pháp luật. UBND TP.Kon Tum yêu cầu các hộ dừng ngay việc khai thác mủ trái phép và tự ý lấy tài sản trong khu vực đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum”. Rõ ràng là vậy song từ lúc thông báo nêu trên ban hành đến nay, tình hình lấy trộm mủ, sang nhượng, mua bán vườn cây vẫn diễn ra đều đều ở các nông trường tại TP.Kon Tum như một sự thách thức cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố.
Hiện tại, để bảo vệ tài sản Nhà nước và đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân và người lao động, Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum đã ký kết hợp đồng bảo vệ vườn cây với công an, đồng thời tăng cường lực lượng bảo vệ để ngăn những hộ dân không ký hợp đồng nhận khoán vào vườn cạo mủ, cũng như ngăn chặn tình trạng phá hoại vật tư, lấy trộm mủ. Bên cạnh đó, công ty cũng phối hợp với chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền các hộ nhận khoán chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, không sang nhượng vườn cây trái phép… Tuy nhiên, theo ông Lê Khả Liễm – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, đã đến lúc các ngành chức năng và chính quyền các cấp tỉnh Kon Tum cần vào cuộc quyết liệt hơn bằng các biện pháp hết sức kiên quyết. Điều quan trọng lúc này là xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật ở các vườn cao su.
Bài và ảnh: Thuận Hòa
Nguồn: congan.com.vn