Campuchia đang khuyến khích đầu tư vào ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, nên chính phủ nước này cho phép các nhà đầu tư được sử dụng đất dưới hình thức tô nhượng, được phép thuê dài hạn, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và đây là cơ hội cho ngành nông nghiệp cũng như nông dân Việt Nam.
Ông Vũ Thịnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia cho biết, nông nghiệp đang được Campuchia khuyến khích đầu tư nên đây là ngành mà doanh nghiệp Việt Nam có thể quan tâm. Chính phủ Campuchia cho phép các nhà đầu tư được sử dụng đất dưới hình thức tô nhượng, được phép thuê ngắn hạn hoặc dài hạn, ưu tiên cho những dự án đầu tư thủy lợi, trồng và chế biến cao su, mía đường, khoai mì lát, hạt điều….
Đặc biệt Campuchia tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, kể cả cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Vụ sản xuất lúa 2009 – 2010, Campuchia gieo cấy 2,72 triệu héc ta, thu hoạch 7,58 triệu tấn lúa, sau khi đảm bảo an ninh lương thực trong nước, còn dư hơn 2,2 triệu tấn lúa tương đương hơn 1 triệu tấn gạo để xuất khẩu.
Theo thoả thuận về thúc đẩy thương mại song phương, năm 2011, số lượng gạo từ Campuchia xuất qua Việt Nam được hưởng thuế suất nhập khẩu đặc biệt 0% là 250.000 tấn.
Sản lượng mủ cao su năm 2010 của Campuchia là 80.000 tấn và 72% lượng mủ được xuất sang Việt Nam do chi phí vận chuyển đường bộ thấp. Campuchia sẽ tiếp tục cho mở rộng diện tích trồng cao su nhiều hơn 160.000 héc ta hiện có. Hiện Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư 14 dự án với tổng diện tích 100.000 héc ta.
Việc đầu tư vào nông nghiệp ở Campuchia từ năm 2011 trở đi sẽ thuận lợi vì điều kiện cấp visa thoáng hơn. Lao động xin visa dài hạn làm việc tại các dự án đầu tư trong bốn tỉnh Rattanakiri, Mondolkiri, Preyveng, Kratie của Campuchia sẽ được cấp visa nhiều lần miễn phí trong một năm. Ở các tỉnh khác, mức lệ phí visa là 84 đô la/người/năm so với mức 280 đô la/người/năm như trước đây.
Chính phủ Campuchia cũng cho biết sẽ tạo điều kiện cho các công ty có dự án trồng cao su, cây công nghiệp được tăng số lượng lao động mùa vụ cao điểm lên đến 30% ( hiện là 10%).
Tuy nhiên, thương vụ lại khuyến cáo doanh nghiệp đầu tư của Việt Nam cẩn trọng. Trong thời gian qua, một số đối tượng xấu tại Campuchia đã sử dụng các bản dự án chưa có nguồn vốn đầu tư hoặc tạo hồ sơ giả về các dự án trồng cao su, khoai mì, lúa để móc nối với một số kẻ xấu ở Việt Nam lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều năm qua, nông dân các tỉnh giáp biên thường sang Campuchia thuê đất trồng lúa, mía, sắn mì… và sau khi thu hoạch chở về Việt Nam bán.
Để tránh rủi ro, doanh nghiệp nên đến cơ quan thương vụ hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để được cung cấp thông tin dự án, đối tác tại Campuchia và khuôn khổ pháp lý của nước bạn.
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia còn kiến nghị các cơ quan quản lý Việt Nam nên hình thành hệ thống hạ tầng cho thương mại biên giới, lập các chợ đầu mối, ngân hàng tại các cửa khẩu ở các tỉnh biên giới của Việt Nam, tạo hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng cho các hoạt động thương mại biên giới để xuất khẩu rau củ quả sang Campuchia.
Hiện nay, số lượng các mặt hàng nông thủy sản Việt Nam xuất sang Campuchia ngày càng nhiều. Hai tháng đầu năm 2011, Việt Nam xuất 1,8 triệu đô la hàng thủy sản, 951.165 đô la hàng rau quả…