“Có một thực tế khó hiểu là các doanh nghiệp sản xuất mủ cao su trong nước tập trung cho xuất khẩu, trong khi đó nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su thành phẩm trong nước lại phải đi nhập nguyên liệu từ nước ngoài”, ông Lê Quang Thung, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Cao su Việt Nam băn khoăn.
Doanh nghiệp chỉ chú trọng cho xuất khẩu
Xuất khẩu cao su Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới. Năm 2010, xuất khẩu ngành cao su đạt mức cao nhất từ trước đến nay với sản lượng 782.200 tấn với trên 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều mối lo ngại về cao su Việt Nam. Ông Lê Quang Thung bày tỏ băn khoăn: “Không hiểu sao các doanh nghiệp xuất khẩu không muốn bán trong nước; doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất cao su thành phẩm cũng muốn nhập khẩu chứ không muốn mua trong nước?”.
Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp trong nước thích bán hàng cho doanh nghiệp nước ngoài bởi vì lực mua trong một thời điểm tốt hơn doanh nghiệp trong nước, khả năng mua của các doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh để hấp dẫn các đơn vị cung ứng nguyên liệu. Hơn nữa, khi bán hàng cho đối tác nước ngoài doanh nghiệp được sự hỗ trợ tài chính tốt hơn; do ký hợp đồng mua bán dài hạn nên họ đảm bảo giá nếu giá thị trường có lên xuống bất thường.
Ông Lê Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Huy Anh khẳng định: “Nếu có sự lựa chọn thì chúng tôi vẫn thích bán cho doanh nghiệp trong nước hơn để tránh phức tạp khâu hoàn thuế giá trị gia tăng bởi chỉ sơ sẩy một chút là 5% (thuế nhập khẩu) sẽ khó được hoàn lại và doanh nghiệp coi như bị thua lỗ”.
Chất lượng nguyên liệu chưa đảm bảo
Mặc dù, xuất khẩu cao su đứng vị trí cao nhưng chất lượng cao su chưa cao, chưa đồng đều ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cao su của quốc gia.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su, nguyên liệu từ các đơn vị thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam rất chất lượng nhưng khó mua. Vì vậy, doanh nghiệp sản xuât chủ yếu mua từ các công ty khác, cao su tiểu điền… nhưng ở những đầu mối này chất lượng không ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng của nhà sản xuất. Ông Đinh Ngọc Đạm, Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng nhận định: “Nguyên nhân dẫn đến chất lượng cao su không cao một phần do ngày càng có nhiều nhà máy mọc lên nên dẫn đến hiện tượng tranh mua, do vậy chất lượng cỡ nào cũng bán được và doanh nghiệp buộc phải mua. Vì vậy, Nhà nước cần khẳng định vai trò quản lý của mình để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn nguyên liệu chất lượng đảm bảo hoạt động sản xuất”.
Trước tình trạng trên đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, chất lượng cao su của Nhà nước thì được rồi, chỉ có cao su tư nhân là chất lượng “chưa thể bảo đảm“. Trong thời gian tới sẽ quy hoạch lại nhà máy của từng vùng, từng miền nhằm tạo sản phẩm có giá trị mang thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước cần vào cuộc để có những hình thức xử phạt người vi phạm thì mới mong từng bước nâng cao chất lượng cao su Việt Nam.
Báo Đại Đoàn Kết