Năm 2010, giá cao-su thiên nhiên tăng khoảng 80% so năm 2009, đạt mức giá trung bình 106 bạt/kg (khoảng 3.600 USD/ tấn). Tháng 1-2011 giá mặt hàng này lại tăng thêm 40% nữa, đạt mức kỷ lục 172,8 bạt/kg. Giá tăng nhanh được quy cho thiếu hụt nguồn cung, trong khi cầu tăng nhanh do kinh tế thế giới phục hồi. Giá cao-su thiên nhiên tăng giảm bất thường trong mấy năm gần đây gây nhiều khó khăn cho người sản xuất, nhà xuất khẩu, chế biến và tiêu thụ cao-su trên thế giới.
Vào thời điểm giữa năm 2008, giá cao-su đã tăng đến mức kỷ lục trong vòng 56 năm, tới 3,25 USD/kg, rồi lại bất ngờ sụt giảm chỉ còn trên dưới 1 USD/kg lúc cuối năm. Năm 2008, Thái-lan đạt giá trị xuất khẩu cao-su 223 tỷ bạt (khoảng 6,5 tỷ USD) tăng 15% so năm trước đó. Nhưng thu nhập từ xuất khẩu cao-su giảm 34%, xuống còn 146 tỷ bạt trong năm 2009. Hiệp hội cao-su Thái-lan (TRA) cảnh báo, giá cao-su tăng nhanh bất thường đã hình thành ‘bong bóng cao-su’, nó rất dễ vỡ. Chủ tịch TRA Lúc-chai cho biết, nhu cầu cao-su đang lớn hơn nhu cầu vàng. Giá cao-su đã tăng mạnh từ cuối năm ngoái và đến nay đã cao hơn dự báo. Ðiều này làm tăng mối lo ngại nếu giá tăng hơn nữa, nhiều vấn đề sẽ nổi lên. Người trồng cao-su sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi giá biến động (hạ).
Thật khó để đặt ra giá cả hợp lý vì giá cả mặt hàng này phụ thuộc vào quá nhiều lý do, trong đó có tình trạng đầu cơ và ‘găm hàng’. Người trồng cao-su cần ổn định giá hơn là biến động, tăng, giảm thất thường, biến động giá dễ gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Giá cao-su tự nhiên tăng nhanh từ cuối năm ngoái, do mưa lớn, lại kéo dài ở các nước vùng Nam và Ðông-Nam Á (vùng sản xuất cao-su thiên nhiên chính) làm sản lượng mùa vụ thấp, kho dự trữ của người trồng cao-su, nhà xuất khẩu, chế biến và tiêu thụ dành cho nhu cầu trung và dài hạn ít đi, trong khi đó nhu cầu phát triển cho tương lai của cao-su, nhất là ngành ô-tô tăng cao. Giới đầu cơ cũng góp phần làm tăng giá đột biến. Trong Hiệp hội các nước sản xuất cao-su thiên nhiên (ANRPC) gồm mười thành viên là Việt Nam, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia, Xin-ga-po, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Pa-pua Niu Ghi-nê và Xri Lan-ca, ba nước Thái-lan, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a chiếm khoảng 94% sản lượng cao-su thiên nhiên toàn cầu. Ấn Ðộ là nhà sản xuất và người tiêu dùng lớn thứ tư thế giới. Năm nay, Thái-lan dự kiến sẽ sản xuất 3,3 triệu tấn cao-su, trong đó có khoảng 2,8 triệu tấn để xuất khẩu. Năm ngoái, khối lượng xuất khẩu của nước này giảm 0,2% còn 2,73 triệu tấn, trong khi giá trị xuất khẩu thu về lại tăng 83,4%, đạt tới 7,89 tỷ USD.
Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản chiếm ba vị trí hàng đầu tiêu thụ cao-su thiên nhiên. Ngành sản xuất ô-tô tại các nước này phục hồi mạnh, tạo sức cầu lớn. Ước tính năm 2011 này, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn cao-su, Mỹ 1,1 triệu tấn và Nhật Bản 900 nghìn tấn. Kho dự trữ cao-su tại Trung Quốc chỉ còn khoảng 65 nghìn tấn, thấp hơn 57% so lúc dự trữ cao điểm năm ngoái là 152 nghìn tấn. Riêng trong tháng giêng, giao dịch cao-su tại Trung Quốc đạt gần năm triệu tấn, trong khi nhu cầu chỉ hơn ba triệu tấn/năm, ít nhiều sự kiện này cũng đánh dấu hình thành ‘bong bóng cao-su’. Các hợp đồng giao hàng chậm vào giữa năm tại TP Thượng Hải đạt mức giá tới 6.224 USD/tấn, là quá cao, rất có thể giảm nhanh trong thời gian ngắn. Năm nay, nhu cầu cao-su tự nhiên toàn cầu ước tính đạt khoảng 10,4 triệu tấn, không thay đổi lớn so năm 2010 là 10,3 triệu tấn. Lượng cao-su thiên nhiên cung đủ cầu, nhưng thị trường có vẻ thiếu hụt do một lượng quá lớn cao-su đang lưu giữ trong kho. Trong các kho lưu giữ toàn cầu đang cất trữ khoảng từ 1,5 đến 1,6 triệu tấn. Trong đó, khoảng từ 400 nghìn tấn đến 500 nghìn tấn nằm trong kho ở Thái-lan. Một số nước sản xuất giảm bán hàng, trong khi Trung Quốc đang tăng tốc mua để sản xuất và cất trữ có thể đẩy giá cao-su thiên nhiên tăng cao nữa.
Thị phần toàn cầu của cao-su tự nhiên và tổng hợp đang thay đổi. Năm 2009, cao-su tổng hợp chiếm khoảng 58%, cao-su tự nhiên 42%. Năm nay, cao-su tổng hợp tăng lên 60%, cao-su tự nhiên còn khoảng 40%. Thông thường, chênh lệch giá giữa cao-su thiên nhiên và tổng hợp khoảng 50 bạt/kg. Hiện nay, giá hai loại cao-su tăng lên từ 60 đến hơn 100 bạt/kg. Các nhà sản xuất lốp xe, găng tay cao-su và các sản phẩm cao-su khác sẽ phải tính toán sử dụng loại cao-su nào, khi giá cao-su thiên nhiên tăng cao, cũng là lý do làm vỡ bong bóng giá cao-su thiên nhiên.
Trong tháng 1-2011, giá cao-su trên sàn giao dịch nông phẩm của Thái-lan (AFET) tăng mạnh cả về giá và số lượng hợp đồng, có ngày tới 1.000 thỏa thuận mua bán cao-su được ký (trung bình 600 hợp đồng hằng ngày cuối năm ngoái và từ 300 đến 400 hợp đồng/ngày trong năm 2009). Nhà phân tích kinh tế của AFET Xu-ri-rát cho rằng, giá cao-su thiên nhiên còn tiếp tục tăng trong vài tháng tới, có thể cán đích từ 198 đến 200 bạt/kg, thậm chí cao hơn. Từ giữa năm ngoái, giới chuyên môn về sản xuất và xuất khẩu cao-su thiên nhiên ở Thái-lan đã dự báo, cao-su thiên nhiên bắt đầu một chu kỳ tăng giá mới. Ðây là cơ hội mới cho các thành viên của ANRPC. Vấn đề quan trọng nhất đối với ngành cao-su là tăng năng suất, chất lượng để tăng hiệu quả kinh tế cao hơn và đem lại lợi ích nhiều hơn cho nông dân trồng cao-su. Hiện nay, Thái-lan đang có diện tích khoảng 19 nghìn km2 cao-su ở miền nam đang ở độ tuổi khai thác và gần hai nghìn km2 rừng cao-su mới được trồng trong mấy năm qua ở miền trung, miền bắc và đông-bắc nước này, sẽ cho mủ trong vài năm tới. Dự báo, sản lượng cao-su của Thái-lan sẽ tăng đều hằng năm khoảng 250 nghìn tấn.
(BÙI CĂN – nhandan.com.vn)