Giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới liên tục giảm trong những ngày qua và đang ở mức thấp nhất của 6 tuần.
So với mức kỷ lục thiết lập hôm 18/2 trên các thị trường, giá cao su tại Tokyo đến nay đã giảm 17% từ mức kỷ lục 535 yên/kg, giá cao su SMR20 của Malaysia trong khi đó đã giảm 15,4% từ mức 5,8 USD/kg và cao su RSS3 của Thái Lan giảm nhẹ hơn ở 5,9%.
Giá cao su thiên nhiên đã tăng liên tục từ tháng 8/2010 đến cuối tháng 2 năm nay do nhu cầu tăng mạnh từ ngành sản xuất lốp xe sau khi nền kinh tế thế giới từng bước phục hồi, trong khi đó nguồn cung tăng chậm vì thời tiết xấu làm ảnh hưởng đến sản lượng cây cao su của nhiều nước, đặc biệt là ở Thái Lan.
Thêm vào đó, những lo ngại về tình hình bạo loạn tại Bắc Phi và Trung cũng tác động làm sụt giảm nhu cầu nhiều loại hàng hóa.
Với nước ta, đầu năm 2011, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh mua cao su dự trữ đúng thời điểm cho sản lượng mủ thấp ở cây đã đẩy giá cao su xuất khẩu nước ta lên rất nhanh, chạm đỉnh 36.000 NDT/tấn vào ngày 16/2.
Nhưng đến cuối tháng 2 đầu tháng 3, phía Trung Quốc đã tạo ra sự cố giảm cầu đột ngột để hạ giá bằng cách sử dụng biện pháp hạn chế số doanh nghiệp nhập khẩu theo hệ tiểu ngạch qua các cửa khẩu. Nhu cầu và giá cao su từ nước ta vì thế giảm mạnh, với khối lượng giao dịch chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước, ở 800 – 900 tấn/ngày, và giá còn 32.000 – 33.000 NDT/tấn. Trước tình hình này, nhiều đơn vị xuất khẩu cao su của nước ta đã tạm thời ngừng giao dịch hoặc chuyển hướng thị trường sang vùng lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự sụt giảm của giá cao su hiện nay sẽ không kéo dài do tháng 3 và 4 là mùa cây cao su thay lá, nguồn cung chỉ bằng một nửa so với bình thường, nên giá dự báo khó giảm sâu dù nhu cầu tạm lắng trong thời gian này. Giá dầu mỏ cao (Bộ Năng lượng Mỹ dự báo giá sẽ đạt bình quân 102 USD/thùng trong năm nay) cũng sẽ làm tăng nhu cầu cao su thiên nhiên thay thế cao su tổng hợp.