Trong khi giá cà phê duy trì ở mức cao với nhiều dự báo lạc quan thì đối với mặt hàng cao su, sản lượng tiêu thụ và giá lại giảm mạnh, trong đó thị trường cao su lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang có những diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặt hàng cà phê đang trở lại thời kỳ hoàng kim. Dự trữ cà phê toàn cầu niên vụ 2010/11 giảm mạnh do những hạn chế về nguồn cung. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tổng hợp cà phê trên thế giới hiện tăng 75,1%. Giá cà phê trong nước đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua, đạt 47.000 – 49.000 đồng/kg. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra dự báo lạc quan về xuất khẩu cà phê năm 2011, ước đạt hơn 1,2 triệu tấn, trị giá hơn 2,6 tỷ USD. Trước đó, vào cuối năm 2010, Bộ này dự kiến chỉ đạt hơn 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cà phê.
Giá cà phê arabica trên thị trường New York tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch 29/4, bởi nguồn cung khan hiếm. Đóng cửa phiên cuối tháng 4, giá cà phê giao tháng 7 đạt 2,9985 USD/lb, mức đóng cửa cao nhất trong vòng 35 năm qua. Tính cả tháng 4, cà phê là mặt hàng tăng giá mạnh thứ hai trong số các hàng hóa nguyên liệu, chỉ sau bạc.
Giới kinh doanh mặt hàng này dự báo, nếu Braxin xảy ra sương giá như dự báo của Cơ quan Khí tượng thủy văn, khiến cây cà phê không phát triển được, thì giá cà phê sẽ lên đỉnh mới. Năm 1994, sương giá đã khiến sản lượng cà phê của Braxin giảm 30% và giá tăng 36%. Ngay cả trong điều kiện Brazil không có thiên tai với cây cà phê, dự báo của các hãng uy tín cũng cho rằng, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 6,2 triệu bao cà phê trong năm bắt đầu từ tháng 10/2011. Hãng sản xuất cà phê Kraft đã 3 lần tăng giá trong năm vừa qua và ước tính chi phí sản xuất của hãng sẽ tăng khoảng 700 – 800 triệu USD trong năm nay.
Với mặt hàng cao su, do ảnh hưởng của thiên tai ở Nhật Bản trong tháng 3, giá cao su tháng 4 giảm so với tháng trước, xuất phát bởi nỗi lo nhu cầu yếu từ các nhà sản xuất ôtô. Hiện khách hàng tiêu thụ chính trên thị trường cao su là Trung Quốc đã quay về mua từ các kho trong nước, do giá rẻ hơn. Giá cao su của Indonesia cuối tháng 4 đứng ở 4,885 USD/kg cho kỳ hạn giao tháng 6, giảm so với mức giá 5,68 USD/kg trong tuần giao dịch trước đó. Giá cao su của Malaysia cũng chỉ đạt trên 5 USD/kg do vắng khách hàng. Trên 2 thị trường lớn là Tokyo và Thượng Hải, nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán hàng với phương thức giao ngay để hạn chế rủi ro, dù mức giá giảm khá mạnh, đạt chưa đến 5 USD/kg. Giới đầu tư lo ngại, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, làm giảm nhu cầu nguyên liệu cơ bản này và gây sức ép lên giá. Hiện dự trữ cao su tại các kho ở Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã giảm 7,7%, xuống còn 14.717 tấn.
Trong khi đó, theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên thế giới, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2011 sẽ tăng 8%, lên mức 10,06 triệu tấn so với mức 9,32 triệu tấn năm ngoái, nhờ thời tiết tốt. Năm 2011, sản lượng cao su của Việt Nam dự báo đạt khoảng 780.000 – 790.000 tấn, tăng 4% so với năm 2010, do diện tích được mở rộng thêm khoảng 40.000 héc-ta. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khối lượng cao su xuất khẩu tháng 4 ước đạt 40.000 tấn, đưa tổng khối lượng cao su xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên 204.000 tấn. Nước nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, chiếm 62,15% về giá trị; đứng thứ hai là Malaysia (5,2%).