Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến cáo người trồng cao su tuân thủ các quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn, đừng hám lợi trước mắt khai thác diện tích cây cao su non, khai thác không đúng qui trình, thậm chí dùng chất kích thích để đẩy mủ ra khiến cao su bị vắt kiệt…
Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện trồng được hơn 8.500 ha cao su, tập trung phần lớn ở các huyện Nam Đông, Hương Trà và Phong Điền, trong đó có hơn 2.000 ha đang vào thời kỳ khai thác; mỗi năm chế biến được khoảng 3.000 tấn mủ khô, thu nguồn lợi lớn.
Huyện Nam Đông trồng được hơn 2.500 ha cao su, trong đó có khoảng 800 ha từ 7-10 năm tuổi, đang vào thời kỳ thu hoạch mủ. Xã Hương Phú có 562 hộ trồng được 600 ha, trong đó hơn 200 ha trong thời kỳ khai thác. Nhờ khai thác đúng kỳ, mỗi năm Hương Phú thu được từ 150-200 tấn mủ tươi, doanh thu đạt từ 600-800 triệu đồng. Xã Hương Sơn có 214 hộ với 100% đồng bào dân tộc Catu, trồng được 261 ha, trong đó diện tích khai thác khoảng 100 ha. Nhiều hộ trồng cao su cho thu nhập cao, cá biệt có hộ thu từ 20-30 triệu đồng/năm. Nhờ cây cao su, hiện ở Nam Đông, số hộ có đời sống khá trở lên chiếm 28%, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 11,4%…
Tuy nhiên, do giá cao su trên thị trường tự do tăng mạnh (dao động từ 17.000-30.000 đồng/kg), tại một số địa phương trong tỉnh, người trồng cao su bị tư thương xúi giục khai thác non mủ cao su để bán kiếm lời, khiến nhiều diện tích vườn cây bị khai thác cạn kiệt, làm cây bị nhiễm bệnh. Đến thời điểm này, đã có 380ha cao su tại các xã Thượng Lộ, Hương Phú, Hương Long, Thượng Quảng (huyện Nam Đông), Hương Bình, Hương Thọ, Bình Điền, Hồng Tiến (huyện Hương Trà) bị nhiễm bệnh xì mủ, loét xọc miệng cạo, phấn trắng và bệnh rụng lá. Nhiều nơi, tỉ lệ cao su bị nhiễm bệnh chết, chiếm tới 15-20% diện tích…./.
Theo TTXVN