Diện tích cao su ở nhóm vườn cây già, đến tuổi thanh lý hiện nay ở mức cao. Tuy nhiên, thanh lý đồng loạt những diện tích này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng sản lượng và tình hình lao động tại các công ty trồng cao su. Do đó, cần có một chiến lược tái canh hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị. Sau một thời gian dài khảo sát, nghiên cứu; Bộ môn Sinh lý Khai thác – Viện Nghiên cứu Cao su VN đã đưa ra một số giải pháp kéo dài thời gian thu hoạch mủ trên vườn cây cao su kinh doanh đã đến tuổi thanh lý.
Những khó khăn trong việc thu hoạch mủ
Vào những năm đầu của thập niên 1980, diện tích cao su Việt Nam tăng rất nhanh, nhiều công ty đồng loạt phát triển diện tích trồng mới cây cao su. Đến nay, nhiều vườn cây đã đến tuổi thanh lý để tái canh. Ngoài ra, một số diện tích tuy còn trong tuổi của chu kỳ thu hoạch mủ nhưng do cạo hao dăm, hoặc cạo với cường độ cạo nặng như chế độ cạo d2, cạo úp với chiều dài miệng cạo S/2 đã làm tiêu hao nhiều vỏ cạo, dẫn đến hết vỏ cạo sớm. Với những cây này, vị trí bảng cạo cao nên rất khó khăn cho việc cạo mủ, do đó số cây cạo trên phần cạo thấp (180 – 250 cây/phần cạo). Hơn nữa, do vị trí miệng cạo cây gây ra nhiều khó khăn cho công tác làm máng chắn nước mưa, công tác trang bị vườn cây, cũng như khó khăn cho việc tận thu mủ. Điều này dẫn đến năng suất vườn cây thấp, năng suất lao động thấp, từ đó thu nhập của người công nhân cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Do bảng cạo cao, ngoài tầm kiểm soát nên phần lớn diện tích này được cạo với chiều dài miệng cạo úp S/2 có thể phối hợp cạo ngửa S/2, thậm chí một số diện tích cạo với chiều dài miệng cạo úp dài hơn S/2. Vị trí bảng cạo cao dẫn đến độ dốc miệng cạo lớn là nguyên nhân dẫn đến cạo hao dăm, hao vỏ. Việc phân chia bảng cạo khó hơn, thậm chí một số vườn cây không phân chia được bảng cạo vì vậy cạo không theo bảng cạo cố định. Việc này dẫn đến tình trạng không theo thiết kế, không đánh dấu hao dăm, không kiểm soát được dăm cạo hàng tháng. Một số trường hợp không gắn máng chắn nước mưa do đó không cạo được hoặc cạo trễ vào những ngày trời mưa. Khi cạo trên bảng cạo cao ngoài tầm kiểm soát, cạo trên cành sẽ cho năng suất thấp, đồng thời gặp nhiều khó khăn trong công tác thu mủ. Tuy nhiên khi khảo sát thực tế sản xuất của một số công ty cao su cho thấy năng suất trung bình của nhóm này cao hơn so với nhóm cây mở cạo năm thứ nhất và năm thứ 2.
Một số giải pháp kỹ thuật
Để việc thu hoạch mủ trên vườn cây cạo úp ngoài tầm kiểm soát có hiệu quả cao, trước hết cần khảo sát thực địa vườn cây và lựa chọn bảng cạo thích hợp, từ đó khuyến cáo chế độ thu hoạch mủ phù hợp với thực trạng vườn cây và kế hoạch thanh lý, tái canh. Vị trí miệng cạo và chiều dài miệng cạo rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và vỏ cạo của vườn cây. Bên cạnh đó, nhịp độ cạo và chế độ kích thích hợp lý cũng ảnh hưởng đến sản lượng. Ngoài ra, các yếu tố về kỹ thuật sẽ góp phần không nhỏ đến năng suất của vườn cây. Bộ môn Sinh lý Khai thác – Viện Nghiên cứu Cao su VN đã đưa ra một số kỹ thuật thu hoạch mủ trên vườn cây cao su ngoài tầm kiểm soát như sau:
– Năng suất có thể thu được từ miệng cạo ngắn kết hợp với kích thích cũng như cạo nhịp độ thấp, không thích hợp nếu không kích thích. Cạo miệng cạo ngắn có thể làm tối ưu hóa hiệu quả về mặt sinh lý vì ít gây vết thương cho hệ thống tạo mủ. Hơn nữa, cạo miệng cạo ngắn cũng sẽ tiết kiệm được vỏ cạo, giúp kéo dài thời gian thu hoạch mủ. Trên cơ sở đó, kết hợp với thực trạng vườn cây, khuyến cáo đối với những diện tích này nên cạo với chiều dài miệng cạo úp ngắn hơn hoặc bằng S/2. Trong một số trường hợp có thể áp dụng chiều dài miệng cạo ngắn S/4 phối hợp với miệng cạo ngửa.
– Ứng dụng phương pháp bôi kích thích bằng bình bơm có dây dẫn nối với cọ bôi được gắn với cán dài tùy theo độ cao miệng cạo có thể giúp thao tác dễ dàng hơn, ít tốn công lao động hơn so với phương pháp bôi truyền thống như trước đây (Tổng Công ty Cao su Đồng Nai).
– Sử dụng dây dẫn mủ dạng bẹ bằng vật liệu nilon – loại vật liệu thường dùng để đan giỏ (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng).
– Phân chia bảng cạo rõ ràng cho từng mùa cạo.
– Khi có điều kiện, nên làm máng chắn nước mưa cho miệng cạo.
– Tận dụng miệng cạo ngửa, thăm dò những cây miệng cạo ngửa còn cho mủ để tận thu sản lượng. Lưu ý cần trang bị máng chắn nước mưa cho miệng cạo ngửa.
Diện tích cao su ở nhóm vườn cây già, đến tuổi thanh lý hiện nay ở mức cao. Tuy nhiên, thanh lý đồng loạt những diện tích này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng sản lượng và tình hình lao động tại các công ty trồng cao su. Do đó, cần có một chiến lược tái canh hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị. Để thực hiện tốt công tác này phải có kế hoạch thanh lý cụ thể cho từng lô, nhóm lô. Ngoài ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong đó ưu tiên áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong thu hoạch mủ cao su ở nhóm cây ngoài tầm kiểm soát.
Ngọc Cẩm (caosuvietnam.net)