Những năm vừa qua, mặt hàng cao su liên tục “bội thu” giá xuất khẩu. Giá xuất khẩu tăng cao theo đó hiệu quả kinh tế từ cao su trở nên vượt trội so với nhiều cây trồng khác. Vì thế, nhiều địa phương đua nhau trồng cao su, thậm chí không ít nơi ồ ạt mở rộng diện tích chạy theo phong trào.
Vấn đề cần lên tiếng báo động là “phong trào” trồng cao su ngoài vùng quy hoạch, bất chấp điều kiện khách quan. Các tỉnh miền núi phía Bắc thường xảy ra rét đậm, rét hại vì thế khu vực này không phù hợp với cây cao su. Tại Quyết định 750 của Chính phủ đã xác định: các tỉnh vùng Tây Bắc không phát triển cây cao su theo phong trào, mà phải có bước đi phù hợp. Những năm gần đây, thực tế mở rộng diện tích cao su ở khu vực này gần như đi ngược lại sự chỉ đạo của Chính phủ. Tính bình quân trong 4 năm vừa qua, khu vực này tăng thêm gần 4.000 ha cao su/năm. Trong khi đó, tính riêng năm 2011, khu vực này có hơn 2.400 ha cao su trở thành “nạn nhân” của rét đậm, rét hại, trong đó có hơn 1.000 ha gần như bị xóa sổ.
Sau khi Chính phủ có quy hoạch phát triển trồng cao su, Bộ NN&PTNT có Thông tư số 58 vừa hướng dẫn kỹ thuật vừa đưa ra những quy định cụ thể về nhiệt độ thời tiết, độ dốc và độ cao của đất đồi với những nơi trồng cao su. Quy định của bộ NN&PTNT không chỉ chuẩn mực về mặt kỹ thuật mà còn thể hiện tính pháp lý trong việc chỉ đạo trồng cao su. Có quy định cụ thể của ngành chuyên trách nhưng nhiều địa phương thuộc khu vực Tây Bắc đã “xé rào” trồng cao su quá mức cho phép, hiệu quả chẳng thấy trong khi đã phải trả giá với hậu quả nặng nề ngay từ những năm đầu mở rộng diện tích cây trồng này. Xét trên cả 2 mặt (chủ trương của Chính phủ cũng như khí hậu thời tiết) đều không ủng hộ các tỉnh miền núi phía Bắc gia tăng trồng cao su. Theo khuyến cáo của ngành chuyên trách, kể từ 2011, khu vực miền núi phía Bắc nếu còn tiếp tục chạy theo “phong trào” trồng cao su thì hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn so với trước đây.
Bá Tân – Báo Đại Đoàn Kết