Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vừa có công văn yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, trình cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc là rất cần thiết
Đồng thời, Bộ phải chỉ đạo các tỉnh miền núi phía Bắc, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện phát triển cao su theo đúng quy định tại Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 3/6/2009 để bảo đảm hiệu quả và bền vững.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 năm qua (2006-2010), cây cao su ở miền núi phía Bắc đã từng bước phát triển và đạt được một số kết quả có tính chất tiền đề.
Tuy nhiên, việc phát triển cao su ở khu vực này vẫn còn có một khó khăn, thách thức. Do khu vực miền núi phía Bắc có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội tương đối khác biệt so với những vùng trồng cao su truyền thống ở Việt Nam như Đông Nam Bộ và Tây Nguyên như: Có mùa đông lạnh, trong khi cao su là cây nhiệt đới ưa ấm; địa hình phức tạp, đất đai chia cắt giữa các tiểu vùng; điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn; trình độ sản xuất nông nghiệp còn thấp, nguồn lực đầu tư tại chỗ hạn chế; kinh nghiệm phát triển cao su trong vùng còn ít cả về khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, tiếp theo đợt rét đậm, rét hại lịch sử đầu năm 2008, vụ Đông-Xuân 2010-2011, rét đậm đã gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền Bắc, trong đó có diện tích cao su đã trồng ở miền núi phía Bắc.
Từ thực tế trên cho thấy, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển cao su cho các tỉnh miền núi phía Bắc là rất cần thiết.