Xuất khẩu cao su xếp vị trí thứ 2 trong các mặt hàng nông sản, và đứng thứ 5 thế giới, nhưng theo đánh giá của hiệp hội Cao su Việt Nam, sản phẩm cao su Việt Nam chưa có thương hiệu nổi bật trên thị trường quốc tế.
Ngày 12-5, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội cao su Việt Nam tổ chức Hội nghị hội viên năm 2011. Năm 2010, xuất khẩu ngành cao su đạt mức cao nhất từ trước đến nay với sản lượng 782.200 tấn, kim ngạch trên 2,3 tỷ USD. Bình quân mỗi tấn cao su đạt 3.053 USD, tăng đến 94,7% về trị giá và tăng 82% về giá.
Với kết quả đó, xuất khẩu cao su xếp vị trí thứ trong các mặt hàng nông sản. Về thị trường thế giới, cao su Việt Nam chiếm 7,3% tổng sản lượng, xếp thứ 5 thế giới.
Nhưng theo đánh giá của hiệp hội Cao su Việt Nam, sản phẩm cao su Việt Nam chưa có thương hiệu nổi bật trên thị trường quốc tế. Các nước chỉ biết đến cao su của Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Trong khi đó, chất lượng cao su của ta chưa đồng đều, nhất là sản phẩm cao su tiểu điền.
Bên cạnh đó, tình trạng tranh mua, tranh bán theo đường tiểu ngạch qua biên giới khiến các doanh nghiệp chưa chú trọng đến chất lượng cao su. Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su thiên nhiên trong nước than phiền rất khó thu mua được cao su thô chất lượng cao do sản phẩm tốt tập trung cho xuất khẩu. Ngoài ra, do các bộ ngành chưa có quy hoạch cụ thể về việc trồng và chế biến cao su nên việc sản xuất cao su phát triển ồ ạt, chất lượng không đảm bảo.
Để hạn chế tình trạng trên, Hiệp hội cao su Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp quản lý việc sản xuất cao su; triển khai các giải pháp răn đe, xử phạt hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến sản phẩm cao su xuất khẩu Việt Nam.