Tóm tắt: Tập đoàn CNCSVN và UBND tỉnh Thanh Hóa đã bắt tay nhau đầu tư phát triển thêm ít nhất 10.000ha cao su tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, sau 7 năm bắt tay đến nay số diện tích trồng mới trên đất Thanh Hóa chỉ đạt 2.137ha cao su đại điền và 1.232ha cao su liên kết với các hộ dân. Tập đoàn CNCSVN và UBND tỉnh Thanh Hóa đã bắt tay nhau đầu tư phát triển thêm ít nhất 10.000ha cao su tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, sau 7 năm bắt tay đến nay số diện tích trồng mới trên đất Thanh Hóa chỉ đạt 2.137ha cao su đại điền và 1.232ha cao su liên kết với các hộ dân.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 11.755ha cao su, trong đó tiểu điền 9.618ha và đại điền 2.137ha. Trong 5 năm lại nay các địa phương chỉ trồng mới được 4.960ha. Riêng năm 2011, tỉnh Thanh Hóa đặt kế hoạch trồng mới 2.000ha nhưng kết thúc vụ xuân, toàn tỉnh chỉ trồng được 255ha. Câu hỏi đặt ra là liệu vụ thu này toàn tỉnh có trồng hết 1.800ha còn lại không?
Trong thực tế, thời vụ trồng cao su tốt nhất là mùa xuân. Còn với mùa thu, đầu vụ thời tiết hanh khô, thiếu nước, cuối vụ thì mưa nhiều và tiếp đến là một mùa đông lạnh giá. Đây là nguyên nhân làm cho cây cao su chết nhiều nhất trong những năm qua. Trồng cao su ở vụ thu khi mà cây cao su bắt đầu bén rễ lại gặp giá lạnh rất dễ bị chết. Năm ngoái các tỉnh miền núi phía Bắc và các huyện miền núi ở Thanh Hóa cũng đã có một lượng cây cao su chết rét rất nhiều. Riêng huyện Như Xuân chết 2/3 số cây giống.
Trả lời câu hỏi vì sao tiến độ trồng cao su chậm, ông Đỗ Viết Liêm- Chủ tịch HĐTV, TGĐ Cty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa lý giải: “Là vì các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch chưa lường trước được những khó khăn như thời tiết, quỹ đất và giống. Trồng cao su cần phải có quỹ đất, chuẩn bị được giống trước chứ không phải cứ vào vụ mới lo đến cây giống. Bởi sản xuất giống cao su nó khác với các giống cây trồng khác”.
Cũng theo ông Liêm thì hiện ở một số BQL RPH có quỹ đất rừng nghèo kiệt rất lớn nhưng điều kiện để họ trồng cao su là ít vì rất khó để vay vốn ngân hàng. Điều này được ông Nguyễn Đức Quyền- PCT UBND tỉnh Thanh Hóa tán thành: “Nếu các BQL RPH còn nhiều diện tích rừng nghèo kiệt mà Ban không làm được để phát triển kinh tế thì yêu cầu Ban trả lại đất cho Nhà nước hoặc cho DN khác thuê đất để trồng cao su, phát triển kinh tế. BQL RPH chỉ nên quản lý tốt RPH”.
Như Xuân là huyện trọng điểm trong chiến lược phát triển cây cao su của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2011, Như Xuân đặt kế hoạch trồng mới 1.000ha nhưng cho đến nay chỉ trồng được 114ha; huyện Thường Xuân dự kiến trồng 400ha nhưng 7 tháng đầu năm toàn huyện không trồng được cây nào. Lý giải điều này có ý kiến cho rằng vốn đầu tư của nông dân còn ít, trình độ kỹ thuật còn yếu, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về hiệu quả của phát triển cao su còn hạn chế; chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương còn lúng túng.
Bên cạnh đó, chính sách kích cầu của tỉnh còn chưa tạo ra được cú hích mạnh để nhân dân có điều kiện tham gia trồng. Cụ thể như chính sách cũ hỗ trợ 2 triệu đồng/ha khai hoang trồng mới đến nay làm rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết. Hay chính sách 9 triệu đồng/ha trồng mới thì lại chỉ được nhận 7 triệu ban đầu trồng, số còn lại phải 5 năm sau mới được nhận. Trong khi đó để trồng được 1ha cao su trong thời giá hiện tại cần phải có ít nhất 20- 30 triệu đồng, bởi chỉ tính riêng tiền giống đã là 11- 13 triệu đồng. Với khoản đầu tư đó thì nhân dân nghèo vùng 30a không thể đầu tư được.
Ông Nguyễn Vũ Cư – GĐ Cty TNHH MTV Thống Nhất- Thanh Hóa bày tỏ: “Chúng tôi gắn bó với cao su hơn 40 năm và cũng đầy thăng trầm sóng gió với loại cây này rồi. Cao su là cây dài ngày, khi đã trồng thì khó làm lại được. Chu kỳ cao su 27 năm (kiến thiết 7 năm). Cho nên khi đặt vấn đề trồng cao su phải chú trọng xem xét thổ nhưỡng xem có phù hợp. Mặt khác, cũng phải quy hoạch ít nhất một hộ dân được 0,8ha để sau này họ khai thác hợp lý. Nếu 4 đến 5 hộ dân gộp lại được 1ha, khi trồng thì không sao nhưng đến khi thu hoạch sẽ rất khó quản lý, phức tạp”.
Trước tình hình người dân đổ xô vào miền Nam mua giống cao su về trồng, ông Cư nhấn mạnh: “Nếu chúng ta buông lỏng quản lý, thả nổi về giống cây cao su thì rất nguy hại sau này. Qua 7 năm kiến thiết cơ bản, nếu cây không có mủ, hay mủ loãng hậu quả sẽ khôn lường. Do đó khi trồng đến đâu phải kiểm tra đến đó. Nếu có trồng dặm thì cũng chỉ xử lý trong một năm tính từ ngày trồng ban đầu chứ không thể sau 3 năm mới tiến hành trồng dặm. Vì nếu không, cây trồng dặm sẽ bị chẹt hết”.
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến tiến độ trồng cao su chậm, cũng phải kể đến việc các huyện ở vùng được quy hoạch trồng cao su phần lớn là huyện nghèo, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Vậy nên, việc vay hàng chục, hàng trăm triệu đồng để đầu tư là rất khó. Đó là chưa nói đến, rất nhiều hộ trước đó đã từng thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng, một số khác lại đang bị “câu lưu” do tham gia dự án cao su và đã bị đổ bể trước đó. Mặt khác, quỹ đất trên lý thuyết là khá nhiều, nhưng trên thực tế vì do nhiều chủ quản lý, đất xâm canh, chồng lấn, manh mún nên việc triển khai phát triển cao su đại điền gặp rất nhiều trở ngại.
Từ những nguyên nhân trên cho thấy, mục tiêu phát triển 10.000 ha cao su Thanh Hóa đang ngày càng trở nên khó thành hiện thực.
Văn Hùng – Nonghoc.com