Là nước đứng thứ 4 về xuất khẩu cao su nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất cao su thành phẩm lại phải đi nhập nguyên liệu từ nước ngoài do không thể mua được nguyên liệu trong nước. Vì sao có nghịch lý này?
Cơ chế làm ăn cộng với chính sách thuế bất hợp lý khiến các nhà sản xuất cao su trong nước chỉ có thể bắt tay trước mặt mà không thể hợp tác thương mại.
Bụt chùa nhà không thiêng?
Ông Đinh Ngọc Đạm, Giám đốc công ty cổ phần cao su Đà Nẵng, bức xúc vì những nhà sản xuất cao su thành phẩm (săm, lốp, vật dụng…) như công ty của ông rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu cao su trong nước, do đó phải thường xuyên phải nhập khẩu. Nguyên nhân, nguồn nguyên được bán cho doanh nghiệp là từ các đơn vị thành viên của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam nhưng khổ nổi cao su từ các đơn vị này hầu hết được ưu tiên… xuất khẩu nên doanh nghiệp trong nước khó chạm đến. Thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp cũng đã từng tổ chức thu mua từ các vùng trồng cao su tiểu điền, tuy nhiên rủi ro ở khâu này là rất lớn.
Nhưng ông Lê Quang Thung, Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), quyền chủ tịch Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, khẳng định, tập đoàn luôn có chủ trương ưu tiên bán cho doanh nghiệp trong nước. Còn lý do khiến các doanh nghiệp cao su trong nước không đồng thuận, theo ông Thung là cơ chế làm ăn với nhau chưa tốt. Doanh nghiệp xuất khẩu có chủ trương ký dài hạn, giá lên mua lên, giá xuống thì giảm xuống theo giá của một thị trường nước ngoài (Singapore, Nhật…) nào đó, sống cùng sống, chết cùng chết. Điều này các nhà nhập khẩu quốc tế chấp nhận còn doanh nghiệp trong nước chỉ mua lúc giá lên, giá xuống thì tìm cách đánh tháo.
Ông Lê Văn Huy, Giám đốc công ty TNHH MTV Huy Anh (TP HCM) thì kể hàng loạt cái lợi khi xuất khẩu cao su so với bán trực tiếp cho doanh nghiệp trong nước: được hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng tốt hơn; trong cùng một thời điểm giao dịch, lịch mua của các doanh nghiệp nước ngoài thường tốt hơn doanh nghiệp trong nước. Trong trường hợp rớt giá, doanh nghiệp trong nước chần chừ không muốn mua, còn doanh nghiệp nước ngoài thì sẵn sàng mua ngay. “Có khi chào bán trong nước cả tháng mới bán được một đơn hàng, trong khi với doanh nghiệp nước ngoài chỉ mất một ngày”. Ông Huy cũng cho biết, những doanh nghiệp chế biến như ông rất muốn được bán cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng có khi chào bán cả chục doanh nghiệp mà chỉ có một doanh nghiệp chịu mua, thế nên đối tác cuối cùng vẫn là doanh nghiệp nước ngoài.
Vô lý thuế
Một điều khiến doanh nghiệp trong nước khó mua được nguyên liệu nội địa là chính sách thuế về xuất nhập khẩu cao su hiện nay bất hợp lý. Thuế suất là 0%, trong khi nếu bán trong nước sẽ phải chịu thuế VAT 5%, điều này vô tình khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu thay vì bán cho doanh nghiệp trong nước.
Ông Đồng Minh Toàn, Tổng giám đốc công ty CP XNK tổng hợp Bình Phước, cho rằng, sự khập khiễng về thuế xuất nhập khẩu cao su khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tận dụng nguồn cao su giá rẻ từ Indonesia, nguồn nhân công rẻ, lợi thế về thuế từ Việt Nam để sản xuất cao su xuất khẩu đi các nước, trong khi doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trong nước không có được lợi thế này.
Đây cũng là ý kiến của ông Thung: “Chính sách thuế xuất nhập khẩu cao su hiện nay bất hợp lý, không khuyến khích tiêu thụ cao su trong nước. Nhà đầu tư sản xuất nhập khẩu cao su vào Việt Nam lại hưởng thuế 0%, còn nếu tiêu thụ cao su trong nước sẽ chịu VAT 5%, nếu hoàn thuế cũng mất cả năm, như vậy doanh nghiệp thà nhập khẩu nguyên liệu còn hơn” ông Thung nói.
Ông Đạm kiến nghị, các nhà xuất khẩu cao su đã hưởng lời trong thời gian dài, nên chính phủ không cần dành ưu đãi xuất khẩu nữa, nên để thuế nhập bằng 0% hoặc tăng thuế xuất khẩu lên thì doanh nghiệp mới có thể mua được nguyên liệu trong nước. Tuy nhiền đề xuất này nảy sinh nhiều lo ngại, nếu tăng thuế xuất sẽ gián tiếp không khuyến khích người trồng cao su…