Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Bình Phước phấn đấu giảm số hộ nghèo 1,3%/năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,79% vào cuối năm 2015. Trong đó, trồng cây cao su tạo quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ an sinh xã hội là chủ trương lớn của tỉnh.
Dành 1.400 ha đất trồng cao su giúp xóa đói giảm nghèo
Theo Sở LĐ TB&XH tỉnh Bình Phước, nguyên nhân dẫn tới các hộ đói nghèo trong tỉnh chủ yếu là do thiếu vốn sản xuất, thiếu đất canh tác, thiếu lao động… tập trung vào nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (khoảng 8.500 hộ). Đặc biệt là dân tộc bản địa sống lâu đời ở địa phương như S’Tiêng, người mới di cư đến địa bàn, đối tượng bảo trợ xã hội. Những địa bàn nông thôn, vùng khó khăn, biên giới và miền núi có số hộ nghèo cao hơn hẳn những vùng khác trong tỉnh.
Với những đặc thù như vậy, đòi hỏi Bình Phước phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công tác giảm nghèo. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cho các xã nghèo, các thôn, bản đặc biệt khó khăn được ưu tiên tập trung đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới. Đảm bảo 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm thích hợp. Tạo điều kiện cho người nghèo được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt…
Đi đôi với xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, Bình Phước đề ra mục tiêu 5 năm (giai đoạn 2011 – 2015) sẽ có 41.850 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, với doanh số cho vay khoảng 823,647 tỷ đồng. Đề án cũng đưa ra mục tiêu tăng cường hiệu quả chính sách tín dụng thông qua thực hiện tốt việc bình xét đối tượng được vay vốn, đảm bảo công bằng, chính xác, đúng đối tượng; đơn giản về điều kiện, thủ tục hồ sơ để người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn; nâng cao vai trò của cấp chính quyền cơ sở trong việc phối hợp với tổ chức tín dụng quản lý, thu hồi vốn vay…
Đến nay, Bình Phước đã quy hoạch 4.048 ha đất, trong đó dành 1.400 ha trồng cao su, gây quỹ xóa đói giảm nghèo, giao cho các công ty cao su trên địa bàn (bình quân 200 ha/công ty). Diện tích còn lại 2.678 ha, tỉnh sẽ dùng để phục vụ an sinh xã hội. Khi trồng cao su sẽ ưu tiên các hộ nghèo, dân tộc thiểu số tại địa phương tham gia nhận khoán hoặc trực tiếp lao động tại vườn cao su. Để vườn cây phát triển tốt, toàn bộ diện tích cao su trên sẽ do các công ty cao su đóng trên địa bàn chăm sóc. Đến kỳ khai thác, tiền thu được sau khi trừ chi phí, sẽ chuyển vào quỹ xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Trao “cần câu cơm” cho người nghèo
Để hỗ trợ tỉnh Bình Phước trồng cao su tạo quỹ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, mỗi công ty thuộc VRG đóng trên địa bàn tỉnh sẽ trồng 200 ha cao su. Tính đến năm 2011, 4 công ty gồm Lộc Ninh, Đồng Phú, Phú Riềng, Bình Long đã trồng được 443 ha cao su với tổng số tiền đầu tư 27 tỉ đồng. Dự kiến, trong năm 2012, bốn công ty sẽ tiếp tục trồng đủ chỉ tiêu ban đầu đề ra. Khi thực hiện, các công ty cũng gặp không ít khó khăn trong việc giải tỏa đất, đường giao thông… Cả 4 công ty đều đề nghị tỉnh Bình Phước đầu tư làm đường trung tâm dẫn vào lô cao su để tiện cho việc vận chuyển cây giống và các vật tư cần thiết khác phục vụ công tác trồng và chăm sóc cao su.
Ông Phạm Văn Hiền – Phó TGĐ VRG cho biết, trong năm 2012, các công ty sẽ tập trung vốn để đầu tư trồng đủ số diện tích còn lại. Diện tích cao su mà công ty trồng xong sẽ giao cho các công ty cao su trực thuộc tỉnh là Sông Bé, Bình Phước, Phước Long quản lý. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cũng cam kết sẽ phân bổ diện tích đất cho các công ty trong thời gian sớm nhất để tập trung trồng, chăm sóc, quản lý cao su hiệu quả.
Với mức lợi nhuận từ mủ cao su dự kiến khoảng 100 triệu đồng/ha/năm như hiện nay, 5 năm tới, Bình Phước sẽ có từ 600 – 700 tỷ đồng/năm bổ sung vào quỹ xóa đói giảm nghèo, giúp người nghèo tự vươn lên trong cuộc sống. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước, ông Võ Đình Tuyến, khẳng định việc trồng cao su tạo quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ an sinh xã hội là chủ trương lớn của tỉnh. Các dự án trồng cao su là hình thức trao dần “cần câu cơm” cho các hộ nghèo, giúp họ nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm vượt nghèo. Các dự án này sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu việc làm của địa phương, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp dân cư trong tỉnh.
Kim Nguyệt – Quỳnh Mai
Nguồn: Tạp chí Cao su Việt Nam