Với việc công nhận hai giống cao su VNg 77-2 và VNg 77-4 có khả năng chịu lạnh tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở vùng miền núi phía Bắc, triển vọng phát triển cao su ở đây đang được mở ra.
Cao su là cây công nghiệp dài ngày, có giá trị kinh tế cao, đóng góp không nhỏ trong ngành sản xuất nguyên liệu và xuất khẩu của Việt Nam. Cao su được trồng nhiều ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên – những vùng có điều kiện về đất đai, khí hậu phù hợp.
Phát triển cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã và đang được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các tỉnh ở khu vực này quan tâm triển khai trong 5 năm gần đây. Đây là vấn đề mới, chưa có nhiều kinh nghiệm cả về khoa học và tổ chức sản xuất. Ngày 3/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 750/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch phát triển cao su cả nước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2010, định hướng phát triển cao su đối với vùng Tây Bắc, trong đó nêu rõ: “Các tỉnh vùng Tây Bắc không phát triển theo phong trào, có bước đi phù hợp. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng, các địa phương quyết định mở rộng diện tích ở những địa bàn có đủ điều kiện để đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50.000 ha”.
Khó khăn và thuận lợi
Khu vực miền núi phía Bắc có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội tương đối khác biệt so với những vùng trồng cao su truyền thống ở Việt Nam như Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Phát triển cao su ở đây có một số khó khăn, thách thức như: Có mùa đông lạnh, trong khi cao su là cây nhiệt đới ưa ấm; địa hình phức tạp, đất đai chia cắt giữa các tiểu vùng; điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn; trình độ sản xuất nông nghiệp còn thấp, nguồn lực đầu tư tại chỗ hạn chế; kinh nghiệm phát triển cao su trong vùng còn ít cả về khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, phát triển cao su ở vùng Tây Bắc cũng có những thuật lợi như: Quỹ đất còn tương đối lớn, nguồn lao động tại chỗ khá dồi dào, cây cao su chưa phải cạnh tranh gay gắt với cây trồng khác; vùng miền núi phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam…
Cao su đã và đang được quy hoạch trồng tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc với tổng diện tích đến năm 2015 và 2020 gồm: Ba tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) nằm trong quy hoạch theo Quyết định 750, quy hoạch đến năm 2015 phát triển 57.500 ha. Trong đó Sơn La là 20.000 ha, Điện Biên 17.500 ha, Lai Châu 20.000 ha, tăng so với mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 là 7.500 ha. Bốn tỉnh vùng Đông Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ) chưa nằm trong quy hoạch theo Quyết định 750, quy hoạch của các tỉnh này đến 2015 phát triển khoảng 20.000 ha.
Đến năm 2010, 6 tỉnh miền núi phía Bắc đã có quy hoạch phát triển cao su với tổng diện tích quy hoạch đến năm 2020 khoảng 83.500 ha, vượt so với Quyết định 750 là 23.500 ha, trong đó 4 tỉnh vùng Đông Bắc chưa có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong 5 năm qua (2006-2010), cây cao su ở miền núi phía Bắc đã được trồng thử nghiệm, từng bước phát triển và đạt được một số kết quả có tính chất tiền đề, đồng thời cũng xuất hiện một số vấn đề cần rút kinh nghiệm để đảm bảo sự phát triển cao su bền vững trong thời gian tới.
Với sự đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên, diện tích trồng cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã mở rộng khá nhanh trong 3 năm gần đây. Đến hết năm 2010, diện tích cao su trồng mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc đạt được gồm: Vùng Tây Bắc hiện đạt xấp xỉ 15.000 ha (chiếm 88% diện tích cao su toàn vùng miền núi phía Bắc), bình quân từ 2008-2010 mỗi năm trồng khoảng 5.000 ha, trong đó Lai Châu có tới 6.120 ha, Sơn La là 5.447 ha. Vùng Đông Bắc bắt đầu phát triển từ năm 2009, đến nay đạt xấp xỉ 2.000 ha, bình quân trong hai năm 2009-2010 mỗi năm trồng mới 1.000 ha, trong đó tỉnh Hà Giang có diện tích lớn nhất gần 1.160 ha.
Cao su được trồng tại các tỉnh trên gồm: Nhóm giống chủ lực có khả năng thích ứng rộng, năng suất từ khá đến cao như GT1, RRIM 600, PB 260, chiếm diện tích khoảng 60%. Nhóm giống có triển vọng như IAN 873, RRIV1, RRIV3, RRIM 712, các dòng LH… chiếm 31%. Nhóm giống trồng thăm dò và thử nghiệm (khoảng 9%) gồm một số giống mới lai tạo hoặc nhập nội, trong đó có 2 giống nhập từ Trung Quốc là Vân Nghiên 77-2 (VN 77-2) và Vân Nghiên 77-4 (VN 77-4) có khả năng sinh trưởng mạnh và chịu lạnh tốt.
Triển vọng cho phát triển
Đối với việc quy hoạch và trồng cao su ở khu vực miền núi phía Bắc, bên cạnh các yếu tố như năng suất, chất lượng mủ, khả năng kháng bệnh, tốc độ sinh trưởng… thì chịu lạnh là yếu tố được đánh giá có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Chính vì đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của vùng này thường có rét đậm, rét hại nên các loại giống cao su có khả năng chịu lạnh kém không thích ứng được. Theo Bộ NN&PTNT, tiếp theo đợt rét đậm, rét hại lịch sử đầu năm 2008, vụ Đông-Xuân 2010-2011, rét đậm đã gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền Bắc, trong đó có diện tích cao su đã trồng ở miền núi phía Bắc. Bình quân diện tích cao su bị hại ở 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu là khoảng 5,1%, còn đối với 4 tỉnh vùng Đông Bắc do nằm ở phía Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn nên chịu ảnh hưởng cường độ rét đậm, rét hại cao hơn nên mức độ thiệt hại là khá cao, tới 80,7%.
Qua thực tiễn, cao su phát triển tốt và hiệu quả ở 3 tỉnh Tây Bắc do các tỉnh này nằm ở phía Tây Nam của dãy Hoàng Liên Sơn nên cường độ rét thấp hơn so với vùng Đông Bắc.
Hầu hết cao su trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc là cao su đại điền, do các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư theo hình thức liên kết: Hộ dân có đất góp cổ phần bằng giá trị quyền sự dụng đất và được tuyển dụng lao động làm việc cho công ty theo diện tích góp đất, công ty đầu tư và quản lý toàn bộ quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Chính do tầm quan trọng này nên trong 5 năm qua, việc tìm tòi và nghiên cứu giống cao su có khả năng chịu lạnh tốt đã được Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc thực hiện, khảo sát đánh giá trên thực tiễn ở các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc. Qua sàng lọc và thử nghiệm, hai loại giống cao su VN 77-2 và VN 77-4 được nhập từ Trung Quốc tỏ ra có khả năng chịu lạnh tốt hơn hẳn so với các loại giống khác cùng được trồng. Tại cuộc họp của Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học diễn ra sáng 8/4 tại Bộ NN&PTNT, hai giống cao su này đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và đồng ý công nhận là phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở miền núi phía Bắc, bước đầu cho phép chính thức triển khai ươm giống và trồng đại trà.
Tuy nhiên, theo ông Phan Huy Thông – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hai giống VN 77-2 và VN 77-4 vẫn còn một số hạn chế và ngay từ bây giờ cần có những khuyến cáo đối với những người trồng cao su như: Tốt nhất nên trồng ở độ cao dưới 500m so với mặt nước biển; đối với những vùng có độ cao trên 500m thì nên căn cứ vào đặc điểm cụ thể về khí hậu, đất đai để trồng cho phù hợp, đạt hiệu quả nhất. Bên cạnh yếu tố lợi thế về khả năng chịu lạnh tốt, thì hai giống cao su này có năng suất và chất lượng mủ không cao, khả năng chịu sâu bệnh còn cần được kiểm nghiệm thêm…
Theo ông Phan Huy Thông, để có được đánh giá chính xác nhất về hai giống VN 77-2 và VN 77-4 thì phải tới năm 2015, khi chính thức đi vào khai thác mủ lần đầu mới có thể phân tích, xét nghiệm cụ thể về chất lượng. Hy vọng, từ năm 2012, sau một năm ươm giống thì chúng ta có thể chủ động về việc cung cấp giống hai loại cao su này vì hiện nay vẫn đang phải nhập từ Trung Quốc và Lào.
Hội đồng nghiệm thu cũng đã thống nhất việc đề nghị đổi tên hai giống cao su VN 77-2 thành VNg 77-2 và VN 77-4 thành VNg 77-4. Hy vọng với sự chủ động phối hợp, tìm tòi nghiên cứu, cây cao su sẽ phát triển ở khu vực miền núi phía Bắc, góp phần giải quyết công ăn việc làm, phát triển kinh tế-xã cho người dân nơi đây như mong muốn của Chính phủ./.