Nhiều diện tích cao su tiểu điền đã 10 năm tuổi ở xã Đác Búc So, huyện Tuy Đức vẫn không cho mủ và bị người dân
Sau gần 10 năm dồn hết vốn liếng, công sức vào trồng, chăm sóc cây cao su, hàng trăm hộ nông dân ở huyện biên giới Tuy Đức (tỉnh Đác Nông) hy vọng sẽ được đổi đời nhờ “vàng trắng”…
Nhưng càng hy vọng bao nhiêu, họ càng thất vọng bấy nhiêu.
Dẫn chúng tôi đi thăm các vườn cao su tiểu điền của nông dân trong xã trồng đã được chín, mười năm tuổi nhưng thân cây chỉ mới bằng cổ tay, cành lá xơ xác, còi cọc mọc thưa thớt trên những quả đồi bát úp, Phó Chủ tịch UBND xã Đác Búc So (huyện Tuy Đức) Phạm Thiên Viết xót xa: “Toàn xã có 730 ha cao su tiểu điền trồng từ năm 2001, nhưng đến nay chỉ có chưa đầy 100 ha cho mủ, nhưng năng suất rất thấp, toàn bộ diện tích còn lại không cho mủ nên bị người dân bỏ hoang vườn cây đã hai năm nay. Trong khi đó, mỗi ha cao su trong mười năm qua người dân đã đầu tư từ 60-80 triệu đồng mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc… khiến gia đình nào cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, điêu đứng, nợ nần chồng chất mà không biết khi nào trả được”.
Nằm ngay trung tâm xã Đác Búc So cũng là trung tâm huyện Tuy Đức có hàng chục quả đồi bát úp với diện tích hàng trăm ha được trồng cao su tiểu điền, mặc dù cây cao su đã mười năm tuổi nhưng đường kính gốc cây chỉ khoảng 10-15cm và độ cao chưa quá bốn mét nên không thể cạo mủ được hoặc có cạo cũng không có mủ.
Ông Nguyễn Văn Tuất, ở thôn 3 xã Đác Búc So rầu rĩ nói: “Năm 2001, tôi đăng ký trồng hai ha cao su tiểu điền từ Dự án đa dạng hóa nông nghiệp của huyện Đác R’lấp (lúc đó chưa chia tách huyện Tuy Đức), năm đầu tiên được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho vay 8 triệu đồng/ha để mua giống, phân bón, cày xới đất và thuê nhân công trồng. Ngoài ra, từ đó đến nay gia đình tôi vay mượn thêm hàng chục triệu đồng bên ngoài để đầu tư chăm sóc hai ha cao su này, hy vọng đến khi thu hoạch cuộc sống sẽ bớt khó khăn.
Vậy mà, đến nay vườn cao su đã mười năm tuổi mới cho khai thác, nhưng sản lượng mủ rất ít, chỉ khoảng 300-400 kg mủ khô/ha, trong khi đó ở các vùng khác cây cao su chỉ bảy năm đã cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt từ 1,3-1,5 tấn mủ khô/ha/năm. Với năng suất thế này, gia đình tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ và nuôi sống cả gia đình”.
Theo ông Phạm Thiên Viết, trường hợp ông Tuất vẫn còn may, vì nhiều vườn cao su cùng lứa tuổi của người dân trong xã như hộ ông Phạm Văn Mạnh, Điểu Đơm, Phạm Văn Hoạt… vẫn chưa có giọt mủ nào mà chưa tìm được nguyên nhân vì sao.
Đến xã Quảng Tân, chúng tôi gặp ông Lê Thái Giám, Phạm Thanh Hùng, Nguyễn Bá Chữ… cũng đang ngày đêm mất ăn, mất ngủ. Ông Lê Thái Giám than thở: “Năm 2002, tôi đăng ký trồng năm ha cao su tiểu điền thuộc Dự án đa dạng hóa nông nghiệp của huyện. Thế nhưng không hiểu vì sao đến nay, chỉ có một nửa diện tích cao su của gia đình cho thu hoạch nhưng năng suất rất thấp, diện tích còn lại vẫn chưa có giọt mủ nào”. Theo giải thích của ông Giám, ông Hùng thì nguồn vốn cho vay đầu tư ban đầu của dự án quá thấp, chỉ 2 triệu đồng/ha/năm, nên không đủ tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu.
Ngoài ra, đây là lần đầu tiên người dân địa phương trồng cây cao su nên đều “mù tịt” về giống và kỹ thuật, quy trình chăm sóc nhưng không được dự án cũng như các ngành chức năng của huyện, tỉnh hướng dẫn đến nơi đến chốn.
Tại xã Đác R’tíh hiện có 989 ha cây cao su tiểu điền từ tám đến mười năm tuổi, nhưng theo thống kê của UBND xã chỉ có một nửa diện tích cho mủ bình thường, số còn lại không cho mủ. Phó Chủ tịch UBND xã Đác R’tih Điểu B’lế chia sẻ: “Phần lớn diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn xã đều thuộc Dự án đa dạng hóa nông nghiệp của huyện Đác R’lấp trước đây được trồng từ năm 2001, nhưng do người dân không nắm bắt được quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc dẫn đến nhiều diện tích cây cao su không cho mủ. Cũng là trồng cao su, nhưng ở các vùng đất thích hợp, người dân đủ vốn đầu tư, được hướng dẫn đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc chỉ sau bảy năm đã cho hoạch, với giá mủ như hiện nay mỗi ha cho thu hoạch hơn 100 triệu đồng/năm là bình thường, còn ở vùng đất này vì trồng cao su khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất”.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, hiện nay gần 700 hộ nông dân ở các xã Đác Búc So, Đác R’tíh, Quảng Tân, huyện Tuy Đức đang điêu đứng vì trồng cao su tiểu điền; trong đó hộ trồng ít nhất là 2 ha, hộ trồng nhiều lên đến 13 ha. Nguyên nhân do năm 2001, khi tham gia trồng cao su tiểu điền thuộc Dự án đa dạng hóa nông nghiệp của huyện Đác R’lấp (cũ), người dân mua cây giống về trồng không rõ nguồn gốc lại được trồng trên địa hình đồi dốc, thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu không phù hợp, thiếu vốn đầu tư, không nắm bắt quy trình kỹ thuật chăm sóc nên đến nay vườn cây đã hơn 10 năm tuổi mà vẫn chưa cho mủ. Trong khi đó, trong 10 năm qua người dân đã vay mượn đầu tư một số vốn lớn cho mỗi ha cao su, nay nhiều diện tích cao su không có mủ khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất… Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Đức Nguyễn Ngọc Quyền cho biết: “Năm 2001, huyện Đác R’lấp triển khai Dự án đa dạng hoá nông nghiệp trồng hơn 5.000 ha cao su tiểu điền, trong đó nằm trên địa bàn các xã Đác R’tíh, Đác Búc So, Quảng Tân nay thuộc huyện Tuy Đức là 2.100 ha, với khoảng 700 hộ dân tham gia. Mục đích của dự án là nhằm khai thác hết tiền năng đất đai và đa dạng hóa các loại cây trồng để phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các hộ tham gia dự án được Ngân hàng NN&PTNT huyện cam kết cho vay trong vòng bảy năm với số vốn 28 triệu đồng/ha, trong đó năm đầu tiên được giải ngân 8 triệu đồng để đầu tư mua cây giống, phân bón, cày xới đất, công chăm sóc… Những năm sau đó, bình quân mỗi năm được giải ngân 2,6 triệu đồng/ha để chăm sóc.
Tuy nhiên, dự án mới triển khai đến năm thứ hai thì phía Ngân hàng NN&PTNT huyện lại cắt nguồn vốn cho vay vì cho rằng dự án không mang lại hiệu quả. Sau đó, hàng trăm hộ dân tham gia dự án xin vay vốn bằng thế chấp “sổ đỏ” nhưng không được đáp ứng. Bên cạnh đó, khoảng năm 2002-2003, do giá mủ cao su trên thị trường liên tục tăng cao, thấy nông dân nhiều nơi phất lên nhanh chóng nhờ cây cao su dẫn đến phong trào trồng cao su tiểu điền trên địa bàn phát triển một cách ồ ạt, bất chấp những khuyến cáo của ngành nông nghiệp về địa bàn có địa hình, thổ nhưỡng, độ cao, khí hậu, thời tiết không phù hợp với cây cao su. Chính vì những nguyên nhân đó dẫn đến nhiều diện tích cây cao su đã mười năm tuổi vẫn còn còi cọc, không cho mủ hoặc cho mủ nhưng năng suất cũng rất thấp, không mang lại hiệu quả”.
Điều đáng nói là đến nay chuyện cây cao su không có mủ ở huyện Tuy Đức vẫn chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng của tỉnh Đác Nông. Trong khi đó, dư luận đang có nhiều luồn ý kiến khác nhau như độ cao ở đây không phù hợp, độ cao bình quân của huyện từ 700- 800 m, thậm chí có nơi 900 m so với mực nước biển; địa hình toàn đồi dốc hình bát úp; thời tiết gió nhiều vào mùa khô; tầng sâu địa chất cạn không phù hợp với cây cao su; cây giống không đảm bảo; nông dân thiếu vốn đầu tư và không am hiểu về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc… khiến hàng trăm hộ nông dân trồng cao su tiểu đang rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất và chưa biết giải quyết hậu quả thế nào. Thế nhưng, những năm gần đây do giá cao su liên tục tăng cao nên người dân địa phương và các doanh nghiệp từ các nơi đến thuê đất tiếp tục trồng cao su bất chấp những khuyến cáo của chính quyền và ngành nông nghiệp huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Lê Văn Quang cảnh báo: “Trong những năm gần đây, diện tích trồng cao su trên địa bàn huyện tăng chóng mặt. Theo thống kê mới nhất của UBND huyện, trên địa bàn huyện hiện có hơn 5.000 ha cao su, trong đó có 3.500 ha cao su tiểu điền, 1.500 ha cao su của các doanh nghiệp. Hiện nay phong trào trồng cao su đang là chuyện “thời sự” của huyện, bởi chỉ sau bốn năm thành lập đã có 19 doanh nghiệp được tỉnh cho thuê đất thực hiện dự án nông-lâm nghiệp, nhưng chủ yếu là trồng cao su với diện tích lên đến nghìn héc ta. Với kiểu trồng cao su ồ ạt, không theo quy hoạch, không đúng kỹ thuật như thực trạng đang diễn ra trên địa bàn huyện Tuy Đức hiện nay thì hậu quả rồi sẽ khôn lường”.