Việt Nam đang được xem là một trong những nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới. Giá cao su cũng đang ở mức cao, đời sống của người trồng loại cây này được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, tại hội thảo “Cùng ngành cao su nắm bắt cơ hội thời kỳ kinh tế khó khăn” vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia lại lo ngại một diễn biến bất thường về giá cao su và những bất cập trong việc tổ chức xuất khẩu của ta.
Quanh quẩn ở thị trường Trung Quốc
TS. Trần Thị Thúy Hoa – Tổng Thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam cho rằng, hiện nay giá cao su tăng cao nhưng cũng thật khó lường do sự biến động bất thường của nó, bởi xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào thị trường các nước. Chỉ cần kinh tế thế giới hoặc một thị trường tiêu thụ lớn nào đó biến động là ngành cao su lập tức “gặp khó”. Khi giá cao su tăng cao người dân thường có thói quen phá bỏ hết các loại cây trồng khác để trồng cao su, điều đó có thể sẽ rơi vào tình trạng cung vượt cầu, đẩy giá xuống, tình trạng “được mùa mất giá” sẽ xảy ra.
Ông Ker Chung Yang – chuyên gia phân tích đầu tư của một công ty Singapore cũng cho rằng, hiện có 80% cao su của Việt Nam phục vụ xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, phần còn lại phục vụ trong nước. Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này là rất rõ. Chỉ cần Trung Quốc ngưng mua là ngay lập tức ngành cao su của Việt Nam rơi vào cảnh lao đao. Ông Ker Chung Yang khuyên chúng ta nên đi tìm những thị trường mới để người dân, doanh nghiệp Việt không rơi vào cảnh tụt giá thảm hại như cách đây vài năm.
Chuyên gia này cũng cho biết, chất lượng cao su của chúng ta chưa thật đồng đều, nhất là cao su ở các các công ty tư nhân thu mua từ nhiều nguồn nên sức cạnh tranh kém.
Doanh nghiệp (DN) cũng gặp không ít khó khăn khi nhu cầu về vốn kinh doanh rất lớn trong khi lãi suất ngân hàng lại được đẩy lên cao. Tìm lời giải cho bài toán khó này, TS. Trần Thị Thúy Hoa cho rằng, các DN cần thiết phải sử dụng qua những công cụ tài chính để bảo hộ giá. Hiện nay có nhiều ngân hàng đưa ra những biện pháp hỗ trợ DN, chẳng hạn như Techcombank đã cho DN vay bằng các tài sản thế chấp mới, như thế chấp bằng hàng hóa cao su, bằng các hợp đồng, bằng những vườn cây cao su, giúp cho DN có được nguồn vốn vay để duy trì và phát triển.
Cần tham gia sàn giao dịch
Một thị trường sản xuất phát triển bao giờ cũng đi liền với các sàn giao dịch. Các nước không hoặc ít xuất khẩu cao su như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh… đã thành lập sàn giao dịch từ lâu nhằm hỗ trợ các DN của họ phát triển thì Việt Nam sàn giao dịch lại ít được chú trọng mặc dù chúng ta là nước xuất khẩu cao su lớn của thế giới. Một chuyên gia trong nước cho biết, hiện nay rất ít DN Việt Nam tham gia sàn giao dịch bởi vì họ đang duy trì cách thức truyền thống, trực tiếp giao dịch với khách hàng. Qua kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới thì DN Việt nên tham gia sàn giao dịch bởi vì ở đó DN có thể cập nhật được giá cả minh bạch, những thông tin của thị trường trong và ngoài nước. Từ đó phân tích, nhận định được những thuận lợi cũng như rủi ro rồi mới có những kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Chuyên gia này cũng cho rằng, để cho sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, thu hút DN sàn phải có phương thức hoạt động thật hợp lý, mang đến cho DN những lợi nhuận. Cần nhiều đến sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các đơn vị tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân lực chất lượng cho hoạt động thu thập thông tin trong giao dịch hàng hóa.