Trong điều kiện vừa “kén” thổ nhưỡng vừa “kén” khí hậu của cây cao su, Việt Nam đã tận dụng có lẽ đến mức triệt để lợi thế “trời cho” để phát triển mạnh loại cây trồng này trong suốt ba thập kỷ qua.
Điều còn quan trọng hơn nữa là phát triển thương mại rất thành công. Tuy nhiên, thực tế đó cũng càng chứng tỏ rằng, xuất khẩu nông sản thô vẫn là “căn bệnh chưa có thuốc trị” của nền kinh tế nước ta.
Diện tích tăng ngoạn mục
Trước hết, các số liệu thống kê của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, tuy cũng có thay đổi, nhưng trong khoảng nửa thế kỷ qua, số lượng quốc gia có trồng cao su cũng không vượt quá con số 30. Trong số rất ít các quốc gia đó, chỉ riêng tổng diện tích của năm quốc gia trồng cao su nhiều nhất thế giới gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Ấn Độ đã chiếm 78,7%, thậm chí lên đến 87,7% vào đầu thập kỷ 1980.
Trong vòng nửa thế kỷ qua, Indonesia vẫn đứng đầu về diện tích trồng cao su với gần một phần ba tổng diện tích cao su của thế giới. Thái Lan đứng thứ hai (với 20,6%).
Việt Nam, với nhịp độ tăng bình quân 3,7%/năm trong suốt nửa thế kỷ đó, đã lần lượt vượt qua ba quốc gia là Nigieria, Sri Lanka và gần đây nhất là năm 2000 đã vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia trồng cao su nhiều thứ tư thế giới. Mặc dù vậy, điều quan ngại đầu tiên chính là năng suất cao su của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với trình độ phát triển trung bình của thế giới, và càng thấp “một trời một vực” so với của hai quốc gia sản xuất cao su hàng đầu khác của thế giới là Thái Lan và Ấn Độ.
Thua ở năng suất
Như các số liệu thống kê của FAO cho thấy, từ đỉnh cao 125,6% so với năng suất cao su bình quân của thế giới năm 1962 và cũng là kỷ lục trong năm quốc gia trồng nhiều cao su nhất thế giới, năng suất của Việt Nam đã “rơi tự do” lần đầu tiên xuống mức đáy chỉ còn 33,8% vào thời điểm năm 1973. Nếu như chiến tranh ác liệt trong những năm này là nguyên nhân khiến cây cao su bị bỏ mặc, thì ở thời điểm “rơi tự do” một lần nữa xuống chỉ còn 29,7% năm 1988. Nguyên nhân chủ yếu chỉ có thể là cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp khiến cây cao su cũng bị bỏ mặc, trong một tổng thể đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng.
Vẫn theo các số liệu thống kê của FAO, trong khi năng suất cao su của Ấn Độ bằng 159,2% năng suất bình quân của thế giới, còn của Thái Lan là 145,6%, năng suất cao su của Việt Nam chỉ bằng 91,4%.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, đây chính là nguyên nhân khiến cho Việt Nam giành vị trí quốc gia trồng nhiều cao su thứ tư thế giới của Ấn Độ từ năm 2000 như đã nói ở trên, còn sản lượng tuy đã tăng phi mã từ 291.000 tấn lên 754.5000 tấn trong năm 2010 (tăng bình quân 10%/năm), nhưng hiện chỉ bằng 88,7% của Ấn Độ.
Điều này có nghĩa là do năng suất thấp so với trình độ phát triển trung bình của thế giới, cho nên Việt Nam hiện chỉ giữ vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng các quốc gia sản xuất nhiều cao su nhất thế giới.
“Đại gia” xuất khẩu cao su
Thế nhưng, xét dưới góc độ thương mại ở mặt hàng này, Việt Nam lại là quốc gia phát triển bậc nhất. Bởi lẽ, như các số liệu thống kê cho thấy, trong vòng 10 năm 1999-2008, trong khi tổng sản lượng cao su của Việt Nam chỉ đạt 4,236 triệu tấn, thì tổng khối lượng xuất khẩu ra thị trường thế giới đã đạt 4,908 triệu tấn, tức là tổng khối lượng xuất khẩu cao hơn tổng sản lượng 673.000 tấn và 15,9%.
Không những vậy, đây cũng không phải là hiện tượng nhất thời, mà là yếu tố có tính chất truyền thống. Bởi lẽ, trong 10 năm trước đó, trong khi tổng sản lượng chỉ đạt 1,062 triệu tấn, thì tổng khối lượng xuất khẩu đã đạt 1,228 triệu tấn. Có nhiều khả năng nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiếm có này là do các doanh nghiệp nước ta đã thu hút được nguồn nông sản nguyên liệu này từ hai quốc gia láng giềng còn kém phát triển hơn để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, điều cũng quan trọng không kém là hoạt động thương mại trong lĩnh vực này đã đạt hiệu quả có lẽ cao hơn bất cứ loại nông sản nào khác của Việt Nam trong suốt 50 năm qua.
Bởi lẽ, từ các số liệu thống kê của FAO có thể thấy, tuy cũng có lúc trồi, khi sụt, nhưng tính chung cho cả thời kỳ 1961-2008, với bình quân 1.212 đô la Mỹ/tấn, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam cao hơn giá bình quân của thế giới tới 26,1%. Trong đó, nếu chỉ tính 10 năm gần đây nhất (1999-2008), với bình quân 1.400 đô la Mỹ/tấn, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam cũng cao hơn giá bình quân của thế giới tới 8,8%. Hơn thế, điều còn đáng mừng hơn nữa là, đây chính là những mức giá tốt nhất trong “tứ đại gia” xuất khẩu cao su của thế giới tính cho tới thời điểm này.
Đâu rồi ngành công nghiệp cao su Việt Nam?
Những điều nói trên có nghĩa là, Việt Nam gia tăng hết sức mạnh mẽ diện tích trồng và sản lượng cao su là để dành cho xuất khẩu, chứ không phải là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Nguyên do của việc các doanh nghiệp sản xuất cao su “thích bán hàng cho doanh nghiệp nước ngoài” như lý giải của một vị giám đốc tại hội nghị của Hiệp hội Cao su Việt Nam 2011 tổ chức ngày 12-5 tại TPHCM, là vì “lực mua trong một thời điểm tốt hơn, doanh nghiệp được hỗ trợ tài chính tốt hơn, khi giá rớt, khách hàng nước ngoài vẫn sẵn sàng mua trong khi doanh nghiệp trong nước thì không, khách hàng nước ngoài có thể chào bán ngay trong ngày trong khi với doanh nghiệp trong nước mất thời gian hơn…” có lẽ hoàn toàn đủ sức thuyết phục.
Thế nhưng, thực tế đó càng cho thấy đến thời điểm này, chúng ta vẫn quá chú trọng vào việc xuất khẩu những nông sản thô với khối lượng khổng lồ ra thị trường thế giới, còn việc biến những nguồn nông sản đó thành những sản phẩm tinh chế có giá trị cao hơn nhiều lần thì vẫn còn để ngỏ.
Thời báo kinh tế Sài Gòn Online