Để chuẩn bị ban hành Quy trình Kỹ thuật cây cao su năm 2012 của VRG vào tháng 9 này, ngày 22/8, Viện Nghiên cứu Cao su VN (Viện NCCS VN) tổ chức Hội thảo Xây dựng Quy trình Kỹ thuật cây cao su lần 3. Đây là đợt lấy góp ý lần cuối nhằm hoàn thiện bản dự thảo quy trình kỹ thuật trước khi thông qua Hội đồng Khoa học của VRG. Đại diện lãnh đạo và trưởng phòng kỹ thuật các công ty khu vực miền Đông Nam bộ đã tới dự.
Nhiều ý kiến thiết thực
Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp ý kiến sôi nổi và đầy trách nhiệm. Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm nhất là: Kỹ thuật làm vườn ươm tum trần; mật độ trồng cây trên vườn nhân; tiêu chuẩn cây giống xuất vườn; mật độ, khoảng cách và hàng trồng từng loại đất; phương pháp quản lý và chăm sóc vườn cây kinh doanh, cây thanh lý; bảo vệ thực vật…
Theo ông Trần Văn Rạnh – Phó TGĐ Công ty CPCS Tây Ninh, dự thảo quy trình quy định trên vườn nhân gỗ ghép, cây trồng theo hàng đơn, cây cách cây 0,5 m, hàng cách hàng 1 m, mật độ 20.000 gốc/ha. Nhưng trên vườn nhân tỷ lệ cây chết nhiều, nên mật độ gốc trồng phải nâng lên 25.000 gốc/ha để các đơn vị dễ thực hiện.
Đối với công tác chăm sóc vườn cây kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Việt – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, chia sẻ kinh nghiệm, nhiều năm qua công ty không làm sạch cỏ trên vườn, thậm chí cành nhánh cây gãy cũng được gom lại để giữa hàng không mang ra ngoài lô. “Cỏ giúp giữ ẩm, chống rửa trôi trên vườn cây, nhất là đối với vườn cây trên đất dốc. Quy trình hướng dẫn làm sạch cỏ nên cân nhắc lại”, ông Việt đề xuất. Ngoài ra, ông Việt còn góp ý, quy trình mới nên quy định rõ tiêu chuẩn cụ thể từng loại cây giống khi xuất vườn. Vườn cây khi đưa vào mở cạo, nếu tổng số cây đạt tỷ lệ 90% mở cạo thì nên cạo hết 100% diện tích để thuận lợi trong việc phân chia vườn cây.
Để hạn chế tình trạng công nhân tự ý mang thuốc kích thích không rõ nguồn gốc vào vườn cây sử dụng, các đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản “công nhân không tự ý mua và sử dụng hóa chất từ bên ngoài lên cây cao su”. Hiện nay, thuốc kích thích cho mủ rất khó quản lý, hầu hết thuốc không có màu nếu công nhân lén dùng cũng khó biết. Có đại biểu đã đề nghị Viện NCCS VN nên sản xuất loại thuốc có màu để sử dụng chung toàn tập đoàn nhằm dễ quản lý.
Quy trình mở và nhiều điểm mới
Ông Phan Thành Dũng – Phó Viện NCCS VN, cho biết quy trình sắp ban hành được biên soạn dựa trên kết quả nghiên cứu và thành tựu hiệu quả nhất từ trong và ngoài nước, cũng như kế thừa kinh nghiệm trong sản xuất từ trước đến nay. “Quy trình kỹ thuật năm 2012 khi được ban hành sẽ là luật để các đơn vị trong tập đoàn căn cứ thực hiện. So quy trình năm 2004, quy trình mới cập nhật nhiều tiến bộ trên mọi lĩnh vực từ sản xuất cây giống, trồng mới, KTCB, kỹ thuật thu hoạch, chăm sóc vườn cây kinh doanh, bảo vệ thực vật… Đây là quy trình tổng hợp tất cả các vùng trồng cao su do VRG quản lý”, ông Dũng cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Đức – Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật của VRG, đây là quy trình mở, cập nhật nhiều tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nhằm hướng đến mục tiêu tăng năng suất vườn cây, tăng hiệu quả đầu tư nên được các đơn vị rất quan tâm.
Có thể điểm qua một số điểm mới của Quy trình Kỹ thuật cây cao su năm 2012: Kỹ thuật làm vườn ươm tum bầu 5 tầng lá; kỹ thuật khai hoang, thiết kế và xây dựng vườn cây trên vùng đất ngập úng, đất dốc; xây dựng đường băng đồng mức và mương chống xói mòn, mương tiêu chống úng cho vùng đất dốc; mật độ và khoảng cách trồng trên đất bằng 555 và 571 cây/ha, khoảng cách 6m x 3m, 7m x 2,5m; thời vụ trồng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, Lào và Campuchia từ 15/5 đến 15/8.
Thời gian KTCB 6 năm (đất hạng I); vườn cây hết thời gian KTCB có tỷ lệ cây hiện hữu đạt trên 90% mật độ thiết kế, 70% số cây đạt tiêu chuẩn mở cạo; năng suất thiết kế vùng Đông Nam bộ 2 – 2,2 tấn/ha, Tây Nguyên 1,6 – 1,8 tấn/ha, Trung bộ 1,5 – 2 tấn/ha, Lào, Campuchia từ 1,6 – 2 tấn/ha; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của VRG…
Bình Nguyên – caosuvietnam.net