Đến nay, toàn huyện có hơn 6.000 ha, trong đó 4500 ha đã đưa vào khai thác, cho sản lượng hơn 7.000 tấn mủ, đạt giá trị hơn 180 tỷ đồng, chiếm 50% giá trị kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Là đơn vị tiên phong trong phong trào phát triển cao su tiểu điền, ngay từ năm 1994, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đã đưa cây cao su vào trồng trên diện tích rộng. Với những chính sách tạo thuận lợi cho người dân trong việc cấp đất, giúp các hộ được vay vốn bù lãi suất, mở các lớp tập huấn về chăm sóc, khai thác cây cao su. Đến nay, toàn huyện có hơn 6.000 ha, trong đó 4500 ha đã đưa vào khai thác, cho sản lượng hơn 7.000 tấn mủ, đạt giá trị hơn 180 tỷ đồng, chiếm 50% giá trị kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
So với các loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích, cây cao su tiểu điền cho giá trị kinh tế rất cao. Ông Nguyễn Văn Cũng ở Thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy cho biết: ông và gia đình lên vùng kinh tế mới lập nghiệp theo chủ trương của Nhà nước, từ năm 2002 đến nay gia đình đã có hơn 10ha cao su, vài chục con trâu bò, với mức thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Được biết, trước sự thành công của việc trồng cây cao su tiểu điền của huyện Vĩnh Linh, Tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương quy hoạch đất đai, khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng, mở rộng diện tích và phát triển phong trào trồng cao su rộng khắp trong tỉnh. Theo đó, huyện Cam Lộ cũng có chủ trương chuyển đổi đất trồng các loại cây khác không hiệu quả sang trồng cao su và tranh thủ chương trình Đa dạng hóa nông nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Công Phán cho hay: để cho người dân yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khai thác tốt tiềm năng đất đai, huyện bù lãi suất cho người dân vay 9 triệu đồng/1ha trồng mới; đối với các xã tổ chức quy hoạch, huyện đã tạo điều kiện cho những hộ chưa có cao su được nhận đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ít nhất mỗi hộ trồng 1 ha; đồng thời, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề. Đến nay, toàn huyện có hơn 2.500 ha cao su, trong đó hơn 800 ha đã đưa vào khai thác. Chị Nguyễn Thị Hạnh xã Cam Thành phấn khởi cho biết: năm 2008, khi huyện có chủ trương chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang trồng cây cao su, gia đình tôi đã chuyển 1ha hồ tiêu bị bệnh và 3 ha rừng trồng kém hiệu quả sang trồng cao su. Được Dự án cho vay vốn, xã tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Đến nay cao su phát triển tốt và sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình tôi.
Còn ở huyện Gio Linh, cùng với việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích, thâm canh cao su, huyện đã chú trọng mở các lớp dạy nghề chăm sóc, khai thác mủ thế nào cho có hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Thanh, người dân ở xã Gio Bình sau khi được tham gia các lớp tập huấn đã bộc bạch: lâu nay người dân chỉ biết trồng, chăm sóc cũng như cạo mủ theo kiểu tự hướng dẫn nhau. Nay, sau khi được tham gia các lớp dạy nghề, hộ nào cũng biết áp dụng kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cao su thế nào cho hiệu quả. Nếu trước đây việc cạo mủ cây cho năng suất thấp và bị hư tổn thì bây giờ mảnh cạo cho sản lượng cao.
Huyện Hải Lăng cũng có chủ trương đưa cây cao su vào trồng ở vùng gò đồi. Cụ thể, đã trồng thí điểm ở xã Hải Lâm và bước đầu cho thấy, loại cây này cũng phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây và phát triển tốt. Huyện đã đặt chỉ tiêu đến năm 2015, mở rộng diện tích trồng cây cao su lên 800 ha với một số chính sách khuyến khích ưu đãi cho vay vốn có bù lãi suất, hỗ trợ 3 triệu đồng/1 ha cây giống, hỗ trợ phân bón, riêng các xã đảm nhận khâu thiết kế lên lô cho người dân. Không chỉ phát triển trồng cây cao su ở các xã miền xuôi, tỉnh đã phát triển trồng cây cao su ở những vùng đất thích hợp của miền núi, nhất là 7 xã ở vùng Lìa của huyện Hướng Hóa. Hiện, toàn huyện có hơn 500 ha cây cao su và phấn đấu đến năm 2015, nâng tổng số cây cao su được trồng là 1.500ha. Tại xã A Dơi, địa phương được Trung ương cho triển khai Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng biên giới đã trồng hơn 200ha cao su. Anh Hồ Văn Thơng, người dân xã A Dơi tâm sự: trước đây gia đình anh cũng như bao hộ khác trong xã chỉ biết phát nương làm rẫy, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Từ năm 2005, khi đồng bào kinh lên sống chung, anh và các hộ đồng bào Vân Kiều ở đây hết sức phấn khởi, học tập người kinh trồng trọt, chăn nuôi, cuộc sống thay đổi hẳn. Đặc biệt, xã thực hiện Dự án đa dạng hóa nông nghiệp cho vay vốn bù lãi suất, khai hoang đất, cấp giống, gia đình tôi đã trồng 2 ha và cao su hiện phát triển tốt.
Thực tế cho thấy, với hơn 14.500 ha cao su tiểu điền được trồng, đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của hàng vạn hộ gia đình ở Quảng Trị. Tỉnh xác định đây là loại cây mang lại lợi ích nhiều cho người dân và phấn đấu đến năm 2015 nâng diện tích trồng cao su tiểu điền lên 20.000ha. Để đạt được chỉ tiêu này, Giám đốc Sở NN và PTNT Nguyễn Văn Bài cho biết: trước hết, ngành sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, trong đó chú trọng chuyển những diện tích đất trồng rừng và các loại cây khác hiệu quả thấp sang trồng cao su. Bên cạnh đó, tiếp tục có chính sách hỗ trợ sản xuất, quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là chính sách về tín dụng, cho vay ưu đãi vốn trong thời gian từ khi trồng cho đến khi đưa cao su vào khai thác.
Theo các chuyên gia, để phát triển cây cao su tiểu điền theo hướng bền vững, cần phải xem xét kỹ lưỡng đất trồng vì Quảng Trị là địa phương thường xuyên bị mưa bão, trong lúc cây cao su lại dễ bị gãy đổ; đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng, thâm canh, chăm sóc và khai thác, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các Nhà máy thu mua và chế biến sản phẩm, các Nhà máy sản xuất phân bón chuyên dùng cho cao su…
http://daibieunhandan.vn