Cứ đêm xuống là hàng trăm người dân hai xã Bình Nguyên, Bình Khương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại kéo nhau vào vườn cao su cạo trộm mủ của Công ty Cao su Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Hùng, tổng giám đốc Công ty Cao su Quảng Ngãi, nói về gốc tích cây cao su: "Số cao su đang có tại địa phương là do các hộ dân khai hoang từ năm 1989 và được chính quyền địa phương cho phép, tỉnh thống nhất mức bồi thường tài sản trên đất cho các hộ dân trước khi giao đất cho công ty là 15 triệu đồng/ha trên tổng diện tích gần 400ha.
Từ đầu tháng 5, công ty bắt đầu bước vào vụ khai thác mủ mới trên 3.500 gốc cao su 10 năm tuổi. Hai tháng đầu mỗi ngày lượng mủ nhập kho hơn 800kg/ha, nhưng từ đầu tháng 7 đến nay chỉ thu về chưa đầy 400kg/ha. Lý do: hàng trăm người dân vào cạo, đập phá, trộm dụng cụ và đổ trộm mủ của công ty.
Hơn một tháng nay, tất cả lãnh đạo và nhân viên công ty không ai ăn ngon ngủ yên vì cứ đêm xuống là phải vào vườn cao su tuần tra, canh gác. Nhưng địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên phải đề nghị công an can thiệp. Vậy nhưng khi lực lượng chức năng xuất hiện thì các hộ thông tin cho nhau kéo đến hàng trăm người để giải vây, tẩu tán sản phẩm".
Theo báo cáo khẩn của Công ty Cao su Quảng Ngãi gửi tỉnh Quảng Ngãi, hiện số diện tích bị xâm hại trên 142ha với hơn 130 hộ dân tham gia. Trung bình mỗi ngày đơn vị này thất thoát khoảng 1.600kg mủ nước (tương đương 43 triệu đồng), ngoài ra còn mất 1,2 tỉ đồng chi phí chăm sóc trước khi khai thác.
"Chúng tôi đã thiệt hại gần 2 tỉ đồng trong vụ khai thác mủ năm nay" – ông Hùng cho biết. Ngoài việc thất thoát số lượng mủ, người dân cạo trộm mủ không đúng quy trình đã làm hư hại toàn bộ vườn cây công ty.
Còn từ phía người dân, ông Lê Hồng Minh cho biết: "Trước đây chúng tôi được công ty ký hợp đồng trồng mới, giao khoán chăm sóc bảy năm, tỉ lệ ăn chia 6/4. Nhưng 10 năm trôi qua, cao su đã cho mủ mà công ty không đả động gì đến các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng nên chúng tôi chỉ lấy phần mình". Hỏi ông Minh về hợp đồng thỏa thuận ăn chia, ông Minh nói… "không có".
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng khẳng định không hề có bất cứ hợp đồng nào mang nội dung như thế được ký giữa công ty với người dân. Theo ông Hùng, sự việc xảy ra khi niên vụ này giá mủ cao su tăng cao (90 triệu đồng/tấn) nên người dân cho rằng đền bù 15 triệu đồng/ha khiến họ mất nhiều quyền lợi và buộc công ty phải chia lợi nhuận từ việc thu hoạch mủ cao su. "Chúng tôi không đồng ý nên họ ào ạt vào chiếm vườn cây để khai thác mủ trộm bán ra ngoài thu lợi nhuận"- ông Hùng bức xúc.
"Chúng tôi đã nắm thông tin về sự việc. Huyện Bình Sơn đã tổ chức đối thoại với dân, khuyên can người dân không được cạo mủ cao su trái phép. Tuy nhiên, người dân vẫn không tuân thủ và đòi phải đối thoại với lãnh đạo của tỉnh về tỉ lệ ăn chia"- ông Phạm Hùng, phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết.