Là cây trồng tự phát, không nằm trong quy hoạch, nhưng diện tích cao su tiểu điền (CSTĐ) trong tỉnh Khánh Hòa đang tăng nhanh, lên tới vài chục héc-ta, có thể còn tăng mạnh trong thời gian tới. Cao su là cây trồng có hiệu quả kinh tế lớn nhưng nhu cầu đầu tư khá cao. Nếu chuyển dịch ồ ạt, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chưa có mô hình thử nghiệm thì có thể dẫn đến hậu quả xấu.
Chuyển đổi nhanh
Hiện nay, diện tích CSTĐ trong tỉnh đã tăng tới hàng chục héc-ta. Cây cao su đã có mặt tại nhiều địa phương như: Ninh Hòa, Khánh Vĩnh. Trong đó, tại Ninh Hòa, cây cao su có bước chuyển đổi rất nhanh với diện tích vài chục héc-ta, tập trung tại các xã: Ninh Tây, Ninh Sim, Ninh Xuân và Ninh Tân. Ông Nguyễn Văn Khoa – nông dân trồng cao su ở Ninh Sim cho biết, do công lao động khan hiếm mỗi khi vào vụ nên khi nghe theo một số người, ông đã chuyển đổi 5ha đất trồng mía sang trồng cao su. Hiện nay, vườn cao su của ông đang ở tuổi thứ 3. Bình quân 1ha trồng 400 – 500 cây, giá cây giống (cả vận chuyển) là 5.000 đồng/cây. Đây là loại cây trồng mới, chưa có tiền lệ nên việc canh tác cũng rất mù mờ, biết tới đâu làm tới đấy. Tuy nhiên, ông Khoa vẫn tin tưởng, 3 năm nữa, vườn cao su của ông sẽ cạo mủ, sản lượng ổn định dần sau năm thứ 8. Theo ông Khoa, giống cao su được lấy tại Nông trường 38 ở tỉnh Đắc Lắc. Trong tương lai, Nông trường sẽ bao tiêu sản phẩm khi cao su có mủ.
Tiếp cận với một số nông dân trồng cao su, chúng tôi thấy họ rất dè dặt mỗi khi nghe nói đến vấn đề này. Tuy nhiên, điều thôi thúc họ chuyển đổi là hy vọng “đổi đời” khi so sánh hiệu quả của cây cao su với nhiều loại cây trồng khác. “Cho dù cây cao su phát triển xấu thì ít nhất 1ha cũng kiếm được 100 triệu đồng, không phải lo lắng nhiều về giá cả, đầu ra” – một nông dân cho biết.
Việc chuyển đổi đất trồng mía sang trồng cao su không chỉ diễn ra tại hộ nông dân. Hiện nay, một doanh nghiệp (DN) từ TP. Hồ Chí Minh ra Khánh Hòa mua đất, trồng cây cao su, đầu tư quy mô theo hình thức công nghiệp tại xã Ninh Tân (Ninh Hòa). Tại khu vực sản xuất giống của DN này, cây cao su con trồng dưới dạng tum (gốc rễ trần) được sắp xếp ngay hàng, có rãnh thoát phèn. Một nhân viên của DN cho biết, Khánh Hòa có thể trồng được cây cao su nhưng khả năng tạo mủ không cao như các tỉnh Đông Nam bộ. Hiệu quả kinh tế của loài cây này khá cao, ở vùng Đông Nam bộ, sau năm khai thác thứ 3, 1ha có thể cho lợi nhuận tới 200 triệu đồng/năm (vốn đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng/ha). Khi cây cao su có đường kính khoảng 50cm là có thể khai thác mủ. Cũng theo nhân viên trên, hiện nay, DN này đã trồng được 70ha, kế hoạch năm 2012 là 500ha. Dự kiến phát triển tới 1.000ha thì dừng lại và chuyển sang khuyến khích phát triển CSTĐ. DN có kế hoạch xây dựng nhà máy thu mua, chế biến thô mủ cao su trước khi vận chuyển vào miền Nam.
DN mua đất trồng cây cao su đã làm giá đất nơi này được “hâm nóng”, bình quân 1ha đất mía chuyển đổi liên canh sang trồng cao su được mua với giá 100 triệu đồng, ngang với giá đất trồng mía hiện nay. Hiện nay, các giao dịch này đang diễn ra khá sôi động. Có lẽ, chẳng bao lâu nữa, diện tích mía sẽ nhường chỗ cho cây cao su.
Cần thận trọng
Trước đây, Khánh Hòa được nhà bác học Yersin đưa cây cao su vào trồng thử nghiệm ở khu vực Suối Dầu. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không cao. Ông Bùi Công Khánh – Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa cho biết, cây cao su trồng tại Suối Dầu phát triển tốt nhưng lượng mủ thấp. Đất Khánh Hòa trồng được cao su nhưng chỉ thích hợp tại các vùng núi, đất tốt, thoát nước tốt. Cây cao su đòi hỏi khí hậu phải có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Mùa mưa kéo dài 6 tháng, lượng mưa hơn 2.000mm; mưa nhiều, cao su mới tạo mủ tốt, mùa khô phải nóng và hanh; đất trồng tuy không kén đất tốt nhưng tầng hữu cơ phải sâu, dày và thoát nước tốt…
Theo quy hoạch cây trồng của tỉnh, trước mắt cũng như nhiều năm tới không quy hoạch phát triển cây cao su. Điều này cho thấy, việc phát triển cây cao su tại Khánh Hòa là chưa phù hợp và chưa được khuyến khích. Vì vậy, một số nông dân nóng vội chuyển đổi sang trồng cây cao su cần hết sức thận trọng. Thứ nhất, khí hậu, đất đai Khánh Hòa chưa phù hợp cho phát triển cây cao su trên diện rộng; thứ hai, đầu tư cho cây cao su đòi hỏi vốn lớn, ít nhất 30 triệu đồng/ha, nên chỉ những DN hay nông dân có tiềm lực mới dám đầu tư. Tuy giá trị kinh tế của cây cao su mang lại cao hơn nhiều loại cây trồng khác nhưng chưa có mô hình thử nghiệm. Một điều đáng lo nữa, nông dân Khánh Hòa chưa quen canh tác với giống cây công nghiệp này, các yếu tố kỹ thuật, khai thác và đầu tư còn mới mẻ, chưa kể việc sơ chế, thu mua còn là ẩn số. Trong khi đó, cây mía đang cho nguồn thu nhập ổn định, đất và lao động đều quen sản xuất, đầu ra cho cây mía đã có mhà máy thu mua. Vì vậy, nếu phát triển cây cao su ồ ạt có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.