Trong 5 năm qua (2006 – 2010) cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã trồng thử nghiệm, từng bước phát triển và đạt một số kết quả cao, là động lực để thúc đẩy vùng tiếp tục phát triển cao su bền vững trong thời gian tới
Kết quả bước đầu
Vùng Tây Bắc có diện tích cao su phát triển nhanh. Từ năm 2008 đến nay diện tích đã đạt xấp xỉ 15.000 ha chiếm 88% diện tích Cao su toàn vùng miền núi phía Bắc, bình quân từ năm (2008 – 2010) mỗi năm trồng mới khoảng 5.000 ha, trong đó các có diện tích lớn nhất là Lai Châu với 6.120 ha, Sơn La 5.447 ha, Điện Biên 3.326 ha.
Vùng Đông Bắc bắt đầu phát triển cây cao su từ năm 2009, đến nay đã đạt 2.000 ha bình quân (2009 – 2010) mỗi năm trồng mới được 1.000 ha. Trong đó Hà Giang có diện tích lớn nhất xấp xỉ 1.160 ha, Yên Bái 600 ha,…
Theo báo cáo của các tỉnh phía Bắc thì diện tích cao su đã trồng trong thời gian qua bao gồm cả đất nương rẫy, đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả. Ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La cây cao su được trồng chủ yếu trên đất lâm nghiệp có rừng và cây thân bụi và đất rừng đã khai thác nhưng bỏ trống.
Quỹ đất trồng cao su gồm đất gia đình góp vấn vào công ty, đất giao cho cộng đồng, đất nông nghiệp chưa giao chuyển đổi sang trồng cao su,…Nhìn chung trên địa bàn các tỉnh phía Bắc đã thực hiện đúng về quy hoạch đất trồng cao su theo thông tư 58/2009/TT – BNNPTNT. Trong đó, phần lớn cao su đã được trồng ở độ cao không quá 600m, chỉ riêng tỉnh Điện Biên và Yên Bái có một số diện tích trồng ở độ cao trên 700m, cá biệt có những nơi trồng ở độ cao 800m.
Điều kiện đất đai và tổ chức sản xuất
Vùng Tây Bắc có quỹ đất còn tương đối lớn, nguồn lao động tại chỗ khá dồi dào, cây cao su chưa phải cạnh tranh gay gắt với cây trồng khác, vùng miền núi phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất của nước ta.
Hầu hết diện tích cao su đã trồng tại các tỉnh Phía Bắc trong thời gian qua là cao su đại điền, được phát triển theo phương thức các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư toàn bộ vốn, giống, vật tư, quản lý kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Các hộ dân có đất đóng góp cổ phần bằng trị giá sử dụng đất với trị giá bình quân khoảng 10 triệu đồng/ha và được quyền tuyển dụng lao động cho công ty theo diện tích góp đất.
Trong giai đoạn hiện nay, ở miền núi phía Bắc đây là phương thức tổ chức sản xuất cao su sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết được mâu thuẫn giữ tình trạng quy mô đất đai của từng hộ manh mún với yêu cầu sản xuất tập trung quy mô lớn, yêu cầu vốn đầu tư cao, kỹ thuật đồng bộ và chuyên nghiệp.
Nhóm giống chủ lực tại các tỉnh phía Bắc là nhóm giống có khả năng thích ứng rộng và cho năng suất cao như: GT1.RRIM, PB260. Nhóm giống có triển vọng IAN 873, RRIV1, các dòng Lh,…và nhóm giống Vân Nghiêm 77- 4 có khả năng sinh trưởng mạnh và chịu lạnh tốt.
Trước đợt rét đậm rét hại cuối năm 2010, nhìn chung diện tích cây cao su đã trồng ở MNPB sinh trưởng và phát triển khá. Đặc biệt là tại những địa bàn có điều kiện đất đai phù hợp, khí hậu tương đối ẩm như: ở Tây Bắc, các giống có khả năng chụi lạnh, diện tích trồng sớm từ đầu vụ mưa, chất lượng cây giống tốt, trồng bằng cây trong bầu có tốc độ phát triển và sinh trưởng phát triển nhanh, diên tích cao su trồng trong năm 2007 ở một địa phương như Sơn La đã khép tán trên hàng, vườn cây có tỷ lệ sống đạt 97%, đường vành thân cây cao su bình quân trên 18 cm, không thua kém những vùng cao su truyền thống ở phía Nam cùng tuổi cây.
Theo báo cáo của tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh có trồng cao su ở MNPB thì tình hình rét đậm, rét hại đã gây ảnh hưởng đối với diện tích cao su đã trồng. Vùng Tây Bắc do đặc điểm địa hình nằm ở phía Tây Nam của dãy Hoàng Liên Sơn cường độ rét đậm thấp hơn, đồng thời nhiều diện tích cao su đã trồng sớm hơn các năm trước nên mức thiệt hại của cây cao su ảnh hưởng của rét đậm ít hơn. Bình quân toàn vùng diện tích cao su bị hại khoảng 5,1% ha. Trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là các tỉnh: Sơn La có diện tích bị hại là 76 ha bằng 1,4% tổng diện tích, các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Thanh Nưa của tỉnh Điện Biên diện tích bị hại 522 ha bằng 15,7% tổng diện tích và ở Lai Châu bị thiệt hại 153,9 ha bằng 2,5% tổng diện tích.
Vùng Đông Bắc nằm ở pía Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn chịu ảnh hưởng của độ rét đậm, rét hại cao hơn, đồng thời phần lớn cao su mới trồng, mức độ chịu ảnh hưởng của rét lớn hơn ở vùng Tây Bắc. Bình quân toàn vùng diện tích cao su bị hại khoảng 80,7%. Trong đó Hà Giang có tổng diện tích bị hại là 1.159 ha, Yên Bái là 360 ha, Phú Thọ toàn bộ diện tích 110 ha trồng trong năm 2010 đều bị ảnh hưởng nặng của rét, trong đó có 70% cây rụng lá có khả năng phục hồi, trên 4 ha chết nửa thân, 28 ha chết toàn thân. Như vậy vùng Tây Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, cường độ rét thấp hơn vùng Đông Bắc, ngoại trừ các vùng có độ cao trên 600m thuộc Điện Biên, Sơn La hoặc vùng Nặm Cuổi, Căn Co thuộc huyện Than uyên – tỉnh Lai Châu có điều kiện khí hậu gần với vùng Đông Bắc mức độ rét nặng hơn. Vì vậy cao su ở vùng Đông Bắc mới trồng hầu hết sử dụng giống chịu lạnh kém nên mức độ thiệt hại nặng hơn ở vùng Tây Bắc.
Tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, toàn bộ vườn cao su của 4 công ty trên địa bàn đều bị ảnh hưởng, ngoại trừ diện tích cao su được trồng bằng giống VN 77 – 4, VN 77 – 2 và IAN 873 bị ảnh hưởng nhẹ. Cao su cũng đòi hỏi kỹ thuật trồng rất cao, nếu cao su càng trồng ở độ cao càng lớn, thì ảnh hưởng của rét đến cây cao su càng nặng, đặc biệt ở độ cao trên 600 m, thường có gió mạnh, xuất hiện hiện tượng sương muối tỷ lệ cây bị chết rét cao hơn nhiều lần so với khu vực thấp và khuất gió. Diện tích cao su trồng sớm trong tháng 5, tháng 6 khi vào vụ đông cây đã có 3 – 4 tầng lá, bộ rễ phát triển, khả năng chịu hạn và gió lạnh tốt hơn cao su trồng muộn. Cây trong bầu có tốc độ sinh trưởng và khả năng chịu hạn, chịu lạnh tốt, mức thiệt hạn sẽ thấp hơn hẳn so với trồng cây rễ trần. Diện tích cao su được chăm sóc đúng kỹ thuật như phân bón hữu cơ, kết thúc phân đạm trước tháng 9, sẽ giúp cây sinh trưởng nhanh, đến mùa Đông lạnh cây không còn lộc non, thân đã hoá gỗ nên khả năng chịu rét tốt, sau rét phục hồi nhanh.
Với diện tích gần 16 ngàn ha cao su đã trồng trong thời gian qua, bước đầu đã góp phần thay đổi phương thức sản suất từ tự túc là chính lên sản xuất hàng hoá tập trung theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở một số địa phương miền núi phía Bắc. Khai thác và sử dụng tốt hơn tài nguyên đất đai, nguồn lao động tại chỗ, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân trong vùng.
Sau 5 năm vừa trồng thử nghiệm vừa phát triển cao su, từng bước chúng ta đã tích luỹ được một số kinh nghiệm cả về khoa học và tổ chức, chỉ đạo sản xuất. Đặc biệt bước đầu đã xác định được một số giống cao su có khả năng chịu lạnh, phù hợp với điều kiện của vùng, làm tiền đề quan trọng để phát triển cao su vững chắc hơn ở giai đoạn tiếp theo.
Những khó khăn, hạn chế
Trong 5 năm qua thực hiện dự án trồng cây cao su thì có 02 năm rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cây cao su của miền núi phía Bắc nói riêng. Đặc biệt hơn 2010 – 2011 xảy ra khi cao su ở miền núi phía Bắc đã trồng có quy mô lớn, địa bàn rộng, trên nhiều tiểu vùng sinh thái, với nhiều loại giống, nhiều thời vụ và chế độ canh tác khác nhau nên có điều kiện đánh giá đầy đủ, cụ thể và toàn diện hơn.
Do đẩy nhanh tiến độ trồng, nên khâu khảo sát và quy hoạch chưa thật phù hợp, một số diện tích cao su trồng ở tiểu vùng sinh thái khí hậu khắc nghiệt đặc biệt ở các vùng Đông Bắc mức độ thiệt hại do rét nặng hơn các vùng khác.
Vấn đề giống và chất lượng giống cao su cũng là điều đáng quan tâm, đòi hỏi các nhà nghiên cứu giống phải quan tâm đến điều kiện, địa hình khí hậu của vùng để chọn ra những giống thích hợp cho vùng.
Về cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của người dân trong vùng và hiện tại là sự thoả thuận giữa Tập đoàn CNCS Việt Nam và UBND các tỉnh, chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tổng vốn đầu tư cho 1 ha cao su ở vùng MNPB hiện nay đã tăng hơn so với năm 2007, nhưng giá trị góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ dân là 10 triệu đồng/ha chưa được điều chỉnh cho tương ứng, quyền lợi lâu dài của người dân đối với phần vốn góp bằng đất chưa được quy định chi tiết để khuyến khích người dân yên tâm góp đất với doanh nghiệp để phát triển cây cao su.
Giải pháp trong thời gian tới
-Bộ Nông Nghiệp và PTNT cần phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, Ngành, UBND các tỉnh tìm ra các biện pháp, giải pháp hạn chế tối đa tác hại của thiên tai do rét đậm, đảm bảo phát triển cây cao su miền núi phía Bắc có hiệu quả và bền vững. Trong đó, cần lưu ý tập trung giải quyết một số vấn đề lớn, như: Rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng vùng trên cơ sở đó có những kế hoạch cho từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng năm để đảm bảo cho cây cao su sinh trưởng và phát triển tốt. Điều chỉnh cơ cấu giống cao su cho vùng MNPB sao cho giống phải phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, địa hình và đặc biệt là khí hậu của từng vùng. Thực hiện các biện pháp canh tác phù hợp như phải có thiết kế và làm đất, trồng cây cải tạo đất, có các biện pháp chống xói mòn để tiện chăm sóc và lấy mủ sau này./.