Dự báo Indonexia sẽ vượt Thái Lan trở thành nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới vào năm 2015, sớm hơn 5 năm so với dự tính, nhờ tăng năng suất và mở rộng diện tích trồng cao su.
Sản lượng cao su Indonexia sẽ tăng trung bình 5 –6% mỗi năm bắt đầu từ 2008 để đạt 3,8 triệu tấn vào 2015. Trong khi đó tăng trưởng sản lượng của Thái Lan sẽ chỉ khoảng 2-3% để đạt 3,75 triệu tấn vào 2015.
Tiếp tục tăng trưởng, Indonexia sẽ vượt xa Thái Lan vào năm 2020, với sản lượng 4,12 triệu tấn, cao nhất thế giới, gần gấp đôi mức sản lượng của Thái Lan ở thời điểm đó.Trước 2002, năng suất cao su Indonexia rất thấp, chỉ dưới 700 kg/hécta. Nhưng sau đó, nhờ chú trọng phát triển ngành này, năng suất của Indonexia đã tăng lên 979 kg vào năm 2007. Tốc độ tăng ở Thái Lan chậm hơn do thời tiết bất lợi, thiếu nhân lực lao động và bạo loạn ở 3 tỉnh miền nam, nơi chiếm gần 10% trong 3 triệu tấn sản lượng cao su Thái Lan hàng năm.
Năm 2007, Indonexia sản xuất gần 2,8 triệu tấn cao su thiên nhiên và vẫn đang nỗ lực tăng sản lượng trên cơ sở tăng hiệu quả sản xuất, được khích lệ bởi giá và nhu cầu cao su tăng trên toàn cầu, theo đà tăng trưởng của các thị trường tiêu thụ lốp xe, găng tay và bao cao su trên toàn cầu.
Xuất khẩu cao su Indonexia, chủ yếu sang Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, ước đạt 2,4 triệu tấn trong năm 2007, song có thể sẽ tăng chậm lại vào năm nay do tiêu thụ nội địa tăng mạnh. Năm 2007 Indonexia tiêu thụ 390.000 tấn cao su thiên nhiên, và vào năm 2008 sẽ tiêu thụ thêm khoảng 10% so với mức ấy. Nhu cầu cao su của ngành ô tô nước này đang rất mạnh, xuất phát từ tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,3% vào năm 2007, mức cao nhất của 11 năm.
http://www.thuongmai.vn
Giá cao su thế giới đã hồi phục mạnh kể từ mức thấp nhất của 30 năm – ở thời điểm 2001 – sau khi những nước sản xuất chính là Thái Lan, Indonexia và Malaysia quyết định hạn chế sản lượng để kích thích giá tăng. Cao su SIR20 của Indonexia hiện có giá 1,27 USD/lb, tăng khoảng 8% so với hồi đầu 2008.