Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Hà Tĩnh liên kết với các hộ dân trồng cao su tiểu điền .
Nhằm phát huy lợi thế về đất đai, lao động của Hà Tĩnh và thế mạnh của cây cao su, song song với phát triển cây cao su đại điền, tỉnh Hà Tĩnh đã có duyệt quy hoạch phát triển cây cao su tiểu điền (giai đoạn 2010-2020) với diện tích quy hoạch 11.650 ha cao su thuộc đối tượng do địa phương và hộ gia đình quản lý.
Các hộ dân khi thực hiện phát triển cao su tiểu điền yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ); nằm trong vùng quy hoạch phát triển cao su chung của tỉnh.
Phát triển cao su tiểu điền cần bảo đảm các quy định hiện hành về phát triển cao su trên đất lâm nghiệp và các quy định khác về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng ; ưu tiên phát triển cây cao su trên đất chưa có rừng và tận dụng tối đa các loại đất đồi, bãi, đất trồng rừng kém hiệu quả, hạn chế tối đa và cân nhắc kỹ việc chuyển đổi rừng tự nhiên ; khuyến khích phát triển cao su tiểu điền theo hình thức hợp tác, liên kết giữa các hộ và chủ đầu tư, chủ rừng trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa, hợp lý; khuyến khích các chủ rừng liên kết với chủ đầu tư trồng cao su. “Việc phát triển cao su tiểu điền phải hiệu quả và bền vững, đặc biệt phải đảm bảo cho người dân tham gia trồng cao su được hưởng quyền lợi tối đa”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết.
* Từ năm 1997, cây cao su được đưa vào trồng trên đất Hà Tĩnh và đến nay đạt diện tích 8.378 ha, trong đó, đưa vào khai thác 1.891 ha với năng suất khá cao. Sau 14 năm theo dõi cho thấy, cây cao su phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác trên đất Hà Tĩnh. Nhưng việc phát triển cao su tiểu điền tại Hà Tĩnh mới chỉ thực hiện khoảng 180 ha trên địa bàn 3 huyện: Can Lộc, Hương Sơn và Vũ Quang. Trong đó, 12 ha tại xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) do các hộ dân tự bỏ vốn đầu tư trồng và 168 ha trồng theo hình thức liên kết giữa Công ty TNHH một thành viên cao su Hà Tĩnh với các hộ dân.
Thành Châu (nhandan.org.vn)