Từ năm 1997, cây cao su được đưa vào trồng trên đất Hà Tĩnh và đến nay đạt diện tích 8.378 ha, trong đó, đã đưa vào khai thác 1.891 ha với năng suất khá cao.
Sau 14 năm theo dõi cho thấy, cây cao su phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác trên đất Hà Tĩnh. Tuy vậy, cho đến nay việc phát triển cao su tiểu điền tại Hà Tĩnh mới chỉ thực hiện được khoảng 180 ha trên địa bàn 3 huyện: Can Lộc, Hương Sơn và Vũ Quang. Trong đó, 12 ha tại xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) do các hộ dân tự bỏ vốn đầu tư trồng và 168 ha trồng theo hình thức liên kết giữa Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh với các hộ dân.
Nhằm phát huy lợi thế về đất đai, lao động của Hà Tĩnh và thế mạnh của cây cao su, song song với phát triển cây cao su đại điền, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có định hướng đẩy mạnh phát triển cao su tiểu điền để giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân; gắn lợi ích kinh tế hộ với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Theo quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2010-2020 được UBND tỉnh phê duyệt, diện tích quy hoạch phát triển cao su thuộc đối tượng do địa phương và hộ gia đình quản lý là 11.650 ha. Các hộ dân khi thực hiện phát triển cao su tiểu điền yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ); nằm trong vùng quy hoạch phát triển cao su chung của tỉnh.
Tại hội thảo bàn về chính sách phát triển cao su tiểu điền ngày 1/4 vừa qua do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đã có 14 ý kiến tham luận nêu lên những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những giải pháp đẩy mạnh phát triển cây cao su tiểu điền trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào một số vấn đề như: quy hoạch sử dụng qũy đất; cơ chế chính sách và huy động vốn; nguồn giống, kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định: thực tiễn chứng minh cây cao su là cây công nghiệp dài ngày đã, đang và sẽ phát triển trên đất Hà Tĩnh. Tuy nhiên, việc phát triển cao su tại Hà Tĩnh cũng có một số hạn chế như: thời tiết bất lợi; chỉ phù hợp trên một số vùng đất, năng suất đang ở mức trung bình.
Thời gian tới, tỉnh yêu cầu các địa phương, các đơn vị chủ rừng có quy hoạch phát triển cây cao su và các hộ dân khi thực hiện phát triển cao su tiểu điền cần đảm bảo các quy định hiện hành về phát triển cao su trên đất lâm nghiệp. Đồng thời phải thực hiện tốt các quy định khác về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng; ưu tiên phát triển cây cao su trên đất chưa có rừng và tận dụng tối đa các loại đất đồi, bãi, đất trồng rừng kém hiệu quả, hạn chế tối đa và cân nhắc kỹ việc chuyển đổi rừng tự nhiên; khuyến khích phát triển cao su tiểu điền theo hình thức hợp tác, liên kết giữa các hộ và chủ đầu tư, chủ rừng trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa, hợp lý.