[caosugiong.com] – Khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua như một gáo nước lạnh dội vào "chương trình trọng điểm" của tỉnh Hà Giang khi hơn một nghìn hecta cao su được chăm bẵm, nâng niu suốt mấy năm trời phần lớn đã bị… hạ gục.
Ngao ngán, chán chường!
Năm 2008, Cty CP Cao su Hà Giang thực hiện trồng khảo nghiệm trên diện tích 9,2 ha tại xã Vô Điếm (huyện Bắc Quang) và xã Trung Thành (huyện Vị Xuyên). 2 vườn khảo nghiệm này mang kì vọng của ngành cao su trong việc mở rộng hoạt động ra vùng Đông Bắc tổ quốc. Cây sinh trưởng rất nhanh và không ít người tiên liệu tỷ lệ cho mủ tương đương cao su Đông Nam bộ. Không hiểu vì vội vã, nôn nóng hay mạnh dạn một cách…duy ý chí, chỉ sau thời gian khảo nghiệm chưa lâu, năm 2009, diện tích cây cao su trồng mới ở Hà Giang được nâng lên 266 ha, năm 2010 là 883 ha. Tổng diện tích đã trồng mới đến nay là 1.159 ha.
Trời đã phụ lòng người. Kỳ vọng về cây cao su bị dội một gáo nước lạnh khi đợt rét đậm rét hại vừa qua, khoảng 1.000 ha cao su trồng mới năm 2010 gần như bị hạ gục. Tổng hợp của Sở NN – PTNT tỉnh Hà Giang cho thấy: Đối với vườn cao su trồng năm 2009, mặc dù đã cắt ngọn để giảm tác động ảnh hưởng nhưng mức độ khô mủ vẫn chiếm 80% chiều cao cây, chỉ còn phần gốc cách mắt ghép khoảng 12 cm là có mủ. Khả năng phục hồi chỉ còn khoảng 30%. Đối với vườn cây trồng năm 2010 cũng được khắc phục bằng cách cắt sát gốc và mắt ghép để giảm mức độ ảnh hưởng nhưng mức độ khô mủ vẫn chiếm 80%. Khả năng phục hồi chỉ còn khoảng 15 – 20%.
Xã Vô Điếm (huyện Bắc Quang) là địa phương phát triển mạnh chương trình cây cao su. Qua 2 năm trồng mới, diện tích đã đạt 300 ha. Ông Đàm Trung Thu, Chủ tịch UBND xã cho biết, theo kế hoạch, đến 2015 xã sẽ có 1.400 ha cao su, nhưng cú sốc vừa qua đã phá toàn bộ chương trình. Còn ông Phó Chủ tịch, Trưởng BCĐ cao su xã Vô Điếm Mai Văn Hùng khi dẫn chúng tôi đi dọc vườn cao su chỏng chơ, trụi lá được quét vôi trắng toát đã chua chát cho hay, hy vọng về cây cao su trong ông đã tắt lịm.
Gia đình bà Đỗ Thị Hình (thôn Me Thượng, xã Vô Điếm) có diện tích góp đất trồng cao su lên đến 7 ha. Suốt nửa tháng qua, ngày nào bà Hình cũng lên đồi tìm cây đã chết mang về nhóm lửa. Cả đống củi cao su được bà Hình chất bên cạnh nhà. Ở địa bàn khác, xã Trung Thành (huyện Vị Xuyên) có 350 ha cao su thuộc 5 thôn với 244 hộ gia đình tham gia. Rét hại đã đánh chết gần hết số 200 ha cao su trồng mới của năm 2010. Ông Mai Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết, qua 2 năm 2009, 2010, cây cao su tỏ ra thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Vậy nhưng, đúng lúc cây mọng mủ, mọng nước thì rét đến đốn sạch. Gia đình bà Lê Thị Ban (thôn Tấng, xã Trung Thành) có 3 ha cao su đến nay đã chết trắng. Gặp chúng tôi, bà Ban chua xót: “Cả làng ngao ngán, ai cũng lo lắng, chán chường anh ạ”.
Vẫn kiên định mục tiêu
Qua kiểm tra đánh giá thiệt hại, Cty CP Cao su Hà Giang đã xác định được một số bộ giống cao su có khả năng chống chịu rét tốt và vẫn còn sống. Nổi bật là 3 giống IAN 873, YITC 77 – 2 và YITC 77 – 4. Từ thực tế đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su VN đã chỉ đạo Cty trong thời gian tới chỉ sử dụng trồng các giống do tập đoàn chỉ định. Thời vụ cũng được thay đổi, theo đó cây cao su chỉ trồng vào mùa xuân để đến mùa đông thì cây đã tương đối “khỏe”, đủ sức thích ứng. Kế hoạch trồng mới năm 2011 cũng đã được "đẩy" sang năm 2012. Còn thời điểm hiện tại, Cty CP Cao su Hà Giang đang tập trung vào việc trồng dặm diện tích cao su đã bị chết.
Theo chương trình, đến năm 2015, tỉnh Hà Giang sẽ có 1,5 vạn ha cao su. Tuy nhiên, với vụ rét đậm vừa qua, thành quả của 3 năm qua gần như bị xoá sổ đang khiến nhiều người mất niềm tin vào chương trình này.
Điều đáng nói là mặc dù thiệt hại không nhỏ song cả phía doanh nghiệp, chính quyền địa phương đều tỏ ra quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu chương trình phát triển cao su. Anh Lộc Văn Chế, công nhân đội xã Kim Ngọc – Cty CP Cao su Hà Giang cho biết, thay vì trồng mới, công nhân của đội đang quay sang khắc phục thiệt hại. “Ban đầu anh chị em cũng nản lòng lắm, giờ thì mọi người ai nấy đều quyết tâm làm lại từ đầu”.