Ngày 31/8/2011, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban kỹ thuật nông nghiệp lần 2 tại Tây Nguyên nhằm đề ra những giải pháp tiếp tục nâng cao năng suất vườn cây cao su từ 1,4 tấn/ha năm 2011 lên 1,7 tấn/ha năm 2015.
Theo ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG, năng suất vườn cao su của các công ty thuộc VRG tại Tây Nguyên đã được cải thiện trong những năm qua nhưng mức tăng trưởng chưa đạt so với yêu cầu. Cần triển khai tích cực những giải pháp được đề ra qua các hội thảo khoa học và hội nghị giao ban kỹ thuật nông nghiệp để tăng nhanh năng suất các vườn cao su tại Tây nguyên.
Những yếu tố làm hạn chế năng suất cây cao su tại các tỉnh Tây nguyên đáng kể nhất là bệnh lá phấn trắng. Một số bệnh khác cũng ảnh hưởng đến sản lượng và sinh trưởng của cây cao su là bệnh vàng lá Corynespora, nứt vỏ, rụng lá mùa mưa, khô mủ, loét sọc mặt cạo, nấm hồng… Đồng thời, kỹ thuật cạo, chăm sóc và quản lý không bảo đảm quy trình cũng làm vườn cao su không phát huy tối đa năng lực.
Nhằm đạt mục tiêu năng suất trên, những giải pháp được đề ra là:
1. Về quản lý
– Cần xây dựng kế hoạch, lộ trình để nâng cấp chất lượng và năng suất vườn cây.
– Tăng cường đội ngũ quản lý, kỹ thuật để đảm bảo việc thực hiện kế hoạch nâng cao năng suất vườn cây.
– Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập các mô hình tốt.
– Phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam để thực hiện các chương trình cải tạo và nâng cấp chất lượng vườn cây phù hợp theo từng nhóm cây.
– Thúc đẩy phong trào thi đua đạt danh hiệu "Câu lạc bộ 2 tấn".
…….
2. Giải pháp kỹ thuật ngắn hạn
– Đối với vườn cây kinh doanh kém hiệu quả, cần cạo tận thu với chế độ cạo phù hợp và thanh lý sớm để thay bằng giống mới cao sản
– Quy hoạch và thiết kế mặt cạo hàng năm để tránh lãng phí mặt cạo và vỏ cạo.
– Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật khai thác mủ.
– Thâm canh những vườn cây năng suất cao: bón phân cân đối theo chẩn đoán dinh dưỡng, triển khai hố tích mùn, tích cực phòng trị các bệnh lá bằng máy phun cao, áp dụng chất kích thích mủ đúng quy trình và triển khai sớm từ đầu vụ khai thác, gắn máng che mưa cho miệng cạo, …
3. Giải pháp kỹ thuật dài hạn
– Phối hợp với Viện xây dựng nhiều mô hình vườn cây giống mới, kỹ thuật tiến bộ và đào tạo cán bộ kỹ thuật.
– Thâm canh ngay từ đầu các vườn cây kiến thiết cơ bản: sử dụng giống theo khuyến cáo của Tập đoàn, ưu tiên các giống ít nhiễm bệnh lá, tích cực phòng trị bệnh khi có xảy ra, trồng bằng cây bầu nhiều tầng lá, đảm bảo mật độ cây trồng sống và sinh trưởng khỏe, bón phân hợp lý, thiết lập thảm phủ ngay từ năm đầu, tỉa cành tạo tán đúng quy trình…