Theo ANRPC, sản lượng cao su thiên nhiên của các nước thành viên được dự kiến sẽ đạt 10,06 triệu tấn trong năm nay, tăng khoảng 6,2% từ mức 9,47 triệu tấn trong năm 2010. Mức gia tăng dự báo cho năm nay xấp xỉ với mức tăng 6,4% trong năm 2010. Diện tích mới được đưa vào khai thác trong năm nay ước tính là 203.000 hecta và năng suất sẽ tăng thêm được 43 kg/ha, đạt bình quân 1398 kg/ha. Do yếu tố thời tiết bất thường vì còn chịu ảnh hưởng của La Nina, tăng trưởng sản lượng của các quốc gia theo từng tháng cũng có phần thay đổi so với dự kiến. Trong tháng 3, tại Malaixia, Thái Lan và Việt Nam đã có những cơn mưa trái mùa, trong khi đó tại bang Kerala của Ấn Độ, nhiệt độ trong ngày lại cao bất thường, do đó thiếu hụt theo mùa vụ trong tháng 3 và 4 cũng rõ nét hơn mọi năm.
Sản lượng theo từng quốc gia
Sản lượng của Thái Lan dự kiến sẽ tăng 5,5% trong năm nay là đạt khoảng 3,43 triệu tấn so với 3,252 tấn trong năm 2010. Diện tích mới đưa vào khai thác là khoảng 110.000 hecta và quốc gia này tiếp tục chương trình tái canh các vườn cây già.
Indonesia, quốc gia sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới, dự kiến sản lượng sẽ tăng được 8% so với 2010 đạt 2,955 triệu tấn. Indonesia đã nổ lực cải thiện năng suất bình quân vườn cây và đã có tiến bộ từ 987kg trong năm qua lên 1.065kg/ha.
Do diện tích mới đưa vào cạo rất khiêm tốn nên sản lượng của Malaysia trong năm nay được dự kiến chỉ tăng 3,8% lên 975.000 tấn. Năm nay, Malaysia có kế hoạch thanh lý khoảng 25.000 hecta và 3.500 hecta được chuyển mục đích sử dụng, do đó diện tích khai thác của Malaysia là khoảng 650.000 ha.
Sản lượng của Ấn Độ được dự báo sẽ đạt 884.000 tấn, tăng 3,9% so với năm trước nhờ đưa vào cạo mới 14.000 ha, và năng suất chỉ đạt 1800 kg/ha mặc dù có tăng thêm được 16 kg trên một hecta so với 2010 do cơ cấu vườn cây khai thác bao gồm cây từ 20 đến 28 tuổi chiếm 46%, và khoảng 13% nhóm tuổi 29 đến 31 tuổi.
Việt Nam dự kiến sẽ được thêm 11.500 hecta vào khai thác và năng suất bình quân được dự báo sẽ đạt 1733 kg/ha. Sản lượng sẽ tăng 3,4% so với năm trước để đạt 780.000 tấn.
Diện tích khai thác của Trung Quốc sẽ là 585.000 hecta, mặc dù năng suất dự kiến sẽ có mức tăng đáng kể thêm 54 kg/ha nhưng chỉ đạt bình quân 1197 kg/ha do thời tiết không thuận lợi tại các tỉnh trồng cao su là Hải Nam và Vân Nam. Sản lượng năm 2011 của Trung Quốc sẽ là 700.000 tấn. Theo số liệu thống kê, hiện nay Trung Quốc có 445.000 ha đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, đây là tiềm năng để sản lượng gia tăng trong những năm sắp tới.
Sản lượng của Sri Lanka vẫn xoay quanh mức 160.000 tấn do diện tích đưa vào khai thác tăng không đáng kể và năng suất bình quân đạt 1630kg/ha.
Philippines là quốc gia có tốc độ gia tăng sản lượng cao 14,8% so với năm trước tuy nhiên sản lượng dự kiến chỉ có 113.500 tấn. Với tiềm năng có 67.700 hecta đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, Philippines sẽ góp phần tích cực trong sản lượng toàn cầu khi đưa diện tích này vào khai thác.
Cambodia cũng có tăng trưởng đáng kể trong sản lượng và năng suất. Với mức tăng 50% về sản lượng Cambodia dự kiến sẽ khai thác được 63.300 tấn và năng suất sẽ tăng từ 1099 kg/ha lên 1150 kg/ha. Trong vòng 6 năm tới sản lượng của quốc gia này sẽ tăng nhanh vì 126.400 ha hiện nay đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản sẽ được đưa dần vào khai thác.
Theo dự báo của IRSG (Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế), nhu cầu cao su thiên nhiên trong năm 2011 sẽ tăng khoảng 4,6% chủ yếu từ các nước đông dân gồm Trung Quốc và Ấn Độ, ước khoảng 11,16 triệu tấn, cao hơn nguồn cung. Do vậy, nguyên liệu cao su thiên nhiên vẫn thiếu hụt so với nhu cầu và giá của nguyên liệu này có khả năng giữ được mức cao trong năm 2011.
(Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp theo nguồn ANRPCvà IRSG)