Nhiều người dân tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng… kêu cứu về tình trạng cao su giống chết đồng loạt do kém chất lượng.
Nhiều tháng nay, tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai liên tục xảy ra tình trạng cao su giống bị chết đồng loạt.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cho phép Gia Lai chuyển 50.000ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su. Năm 2009, UBND tỉnh giao 14 đơn vị và doanh nghiệp triển khai kế hoạch trồng cao su giai đoạn 2010-2012 là 45.604,7 ha; riêng năm 2010, trồng 10.000 a cao su tại các huyện Chư Prông, Chư Sê, Krông Pa, Mang Yang và Ia Grai. Trên cơ sở đó, các đơn vị đã giao khoán cho dân trồng cao su đại điền.
Tại tỉnh này, ông Phạm Lực nhận trồng hơn 4ha cao su ở huyện Mang Yang vào tháng 2. Do cùng một lúc nhiều tỉnh thực hiện dự án trồng cao su nên cao su giống trên thị trường rất khan hiếm, ông Lực phải mua giống từ những người đi bán dạo. Thế nhưng, sau khi ông Lực trồng được hơn 8.000 cây và đang trong giai đoạn trồng dặm thì cây bị chết đồng loạt.
Tại huyện Đức Linh-Bình Thuận, ông Nguyễn Trần Bảy (trồng cao su từ năm 1997 đến nay) cho biết sau khi có chương trình phủ xanh cao su, ông đã nhận trồng thêm gần 7ha. Do khan hiếm giống nên ông phải đặt giống của các thương lái từ tỉnh Đồng Nai chuyển về. Cách đây 4 tháng, trong 7ha cao su mới trồng thì có 3 ha chết rụi. “Công lao, vốn liếng đổ vào vụ này coi như trắng tay”- ông Bảy buồn rầu nói.
Theo một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh, do cao su giống đang trong tình trạng cầu vượt quá cung nên giá bị đẩy lên rất cao. Mặt khác, nhiều vườn ươm giống chạy theo lợi nhuận, cung cấp cây giống kém chất lượng nên huyện này có hàng chục hộ dân điêu đứng vì tình trạng cao su chết đồng loạt, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất…
Muốn có giống phải đặt trước 6 tháng
Ông Hoàng Duy Quế, Phó Giám đốc kỹ thuật Viện Nghiên cứu cao su tiểu điền Việt Nam, cho biết hiện nay người trồng cao su muốn có giống phải đặt hàng tại viện 6 tháng. Chính vì vậy, từ tháng 3 đến nay, cao su giống trên thị trường đang thiếu trầm trọng. Nguyên nhân do cao su trên thế giới cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc đang triển khai chương trình trồng 1 triệu ha cao su từ nay đến năm 2015 nên nguồn giống khan hiếm và đắt đỏ.