TS Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký hiệp hội cao su Việt Nam cho biết, lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam trong năm 2010 tăng 7,0 % về lượng, tăng 93,7% về trị giá so với năm 2009. Giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt mức cao nhất so với từ trước đến nay, gần 4.206 USD/tấn, vì thế sản phẩm mủ cao su thiên nhiên Việt Nam đã trở thành nông sản xuất khẩu xếp thứ hai sau gạo. Cao su là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 10 trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và đóng góp khoảng 3,3% ngân sách nhà nước.
Theo Tổng cục thống kê, hiện nay Việt Nam có 740.000 ha cao su, trong đó 60% diện tích cho thu hoạch là 754.000 tấn/năm.
Mặc dù rừng cao su cả nước cho sản lượng đáng kể, nhưng hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu cao su thiên nhiên nguyên liệu cho chế biến sản phẩm công nghiệp. Với số lượng xuất khẩu là 782.200 tấn/năm, Việt Nam phải nhập khẩu 127.100 tấn cao su thiên nhiên từ các nước khác, trong đó cao su nhập khẩu một phần để tái xuất (khoảng 60%) và một phần để tiêu thụ trong nước (khoảng 40%). Lượng cao su xuất khẩu này cho kim ngạch 3,29 tỷ USD/năm. Để đáp ứng được năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế từ cây cao su, song song với việc mở rộng diện tích trồng cao su thêm 60.000 ha tại khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, nâng diện tích trồng cao su của cả nước lên thành 800.000 ha, các nhà khoa học cũng đưa ra những giải pháp phát triển cây cao su một cách hiệu quả với để có thể cho sản lượng1,1 triệu tấn (2015) và 1,2 – 1,4 triệu tấn năm 2020.
Trước hết, muốn cây cao su thu được năng suất cao, các nông hộ đại điền và tiểu điền chú ý đến cơ cấu giống cho năng suất cao, thời gian cho thu hoạch ngắn lại để người trồng thu hồi vốn sớm.
Theo Th.s. Đỗ Kim Thành,Trưởng bộ môn Sinh lý Khai thác, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, những giống cao su cho năng suất cao từ 2,5-3 tấn/năm, có khả năng chống lại sâu bệnh cao, nhưng khi gieo trồng phải dựa vào đặc điểm khí hậu của từng vùng mà chọn giống, với khu vực đông nam bộ, nông dân chọn RRIV 1 (LH 82/122) cho năng suất 2,5-3 tấn/ha/năm ở vùng thuận lợi, sinh trưởng kiến thiết cơ bản (KTCB) khá nhưng tăng trưởng trong khi cạo dưới trung bình; chịu rét khá, ít nhiễm phấn trắng, Corynespora, nấm hồng ; giống RRIV 5 (LH 82/198); giống RRIV 103 (LH 82/92) ; giống RRIV 109 (LH 83/290); và các giống RRIV 120 (LH 90/276), RRIV 124 (LH 90/952), IRCA 130 ;… với khu vực miền Trung và Tây Bắc thì phải chọn giống RRIV 106 (LH 83/85), .
Với những vườn cao su còn trồng giống cũ thì cần quy hoạch thay đổi sang trồng giống mới để nâng cao hiệu quả của cây, không gây ảnh hưởng đến năng suất chung. Ngoài ra, nông dân trồng cao su cũng chú trọng đến quá trình chăm sóc và thu hoạch mủ để cây cao su cho mủ lâu dài, đạt chất lượng, trước hết nông dân chủ rừng cao su phải khai thác lúc cây vừa đủ tuổi, tránh tình trạng tham giá thị trường mà cạo mủ sớm. Nếu bắt đầu mở cạo khi cây chưa đủ tuổi, sinh trưởng của cây bị chậm lại. Để các nhà máy chế biến cao su hoạt động hiệu quả hơn thì phải đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy; các nhà máy hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên sơ chế, các lô hàng được sản xuất phải đính kèm giấy chứng nhận kiểm phẩm; sản xuất chủng loại theo nhu cầu của thị trường như TSR 20 (53,7%), cao su cô đặc (16,3%), cao su tờ xông khói (11,3%), giảm SVR 3L và tăng cường các chủng loại SVR 10, SVR 20, cao su ly tâm và mủ tờ xông khói;… chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên; tăng xuất khẩu chính ngạch giúp việc xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam giảm rủi ro và chủ động hơn; hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu; thành lập Quỹ bình ổn giá cao su để hỗ trợ cho người sản xuất khi thị trường bất lợi, hướng đến xây dựng thương hiệu cho cao su Việt Nam.