Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư cho biết, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã kiên quyết dừng chủ trương đầu tư 28 dự án (D.A) trồng cao su của các doanh nghiệp (DN) trong, ngoài tỉnh, tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo.
Nguyên nhân dừng chủ trương đầu tư các D.A trồng cao su là do các DN này thiếu năng lực tài chính, không có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cây cao su, chậm triển khai D.A, không ưu tiên sử dụng lao động là người dân tộc tại chỗ. Một số vùng đã quy hoạch chuyển diện tích rừng nghèo, đất lâm nghiệp sang trồng cao su nhưng do công tác quản lý bảo vệ rừng còn quá yếu kém nên tình trạng xâm hại rừng vẫn diễn ra nghiêm trọng (lợi dụng chủ trương vào rừng khai thác gỗ trái phép, phá rừng lấn chiếm đất rừng để canh tác, mua bán trái pháp luật và đòi đền bù khi D.A được triển khai).
Huyện Buôn Đôn có 12 DN được tỉnh chủ trương cho phép lập các D.A trồng cao su, trồng rừng với tổng diện tích trên 4.100ha. Thế nhưng, 2/3 diện tích này hiện nằm trong tình trạng tranh chấp giữa DN với người dân địa phương. Thậm chí, có nhiều trường hợp lợi dụng chủ trương chuyển đất lâm nghiệp, rừng nghèo sang trồng cao su để sang nhượng D.A trái phép. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng nhiều đối tượng vào xâm canh, xâm chiếm vùng D.A (cả vùng quy hoạch và vùng đã cho thuê) gây nên tranh chấp, khiếu kiện, mất an ninh trật tự trên địa bàn nhưng chính quyền, các cơ quan chức năng ở cơ sở chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý có hiệu quả. UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, xử lý, thu hồi các D.A có sai phạm trong quá trình thực hiện.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk còn 34 D.A của các DN trong, ngoài tỉnh được tỉnh cho thuê 22.906ha để trồng cao su. Các DN đã trồng mới được gần 8.188ha cao su, trong đó có 3.677ha cao su được trồng trong mùa mưa năm nay./.
Quang Huy (TTXVN)