Theo một tập đoàn cao su quốc tế, chính phủ Indonesia cần đầu tư tốt hơn vào các nhà sản xuất cao su nhỏ và cải thiện chính sách trồng trọt nhằm thúc đẩy sản xuất cao su của nước này.
Bà Lekshmi Nairm, nhà kinh tế cao cấp thuộc Tập đoàn nghiên cứu cao su quốc tế, cho biết, sản lượng cao su trên mỗi hectare của Indonesia vẫn thấp hơn nhiều so với các nhà sản xuất cao su khác tại Đông Nam Á, như Malaysia và Thái Lan. Bà cho biết thêm: “ Nếu như Indonesia có sự hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất nhỏ thông qua các chính sách khác nhau, như Malaysia và Thái Lan đã từng thực hiện, thì chắc chăn các nhà sản xuất cao su nhỏ của Indonesia có thể tăng năng suất và nước này có thể trở thành nhà sản xuất cao su hàng đầu”. Theo bà Lekshmi, Indonesia cũng cần cải thiện cách vận hành chiến dịch tái thiết trồng cao su mà nước này đang thực hiện.
Theo một thông tin gần đây từ Hiệp hội cao su Indonesia (Gapkindo), hàng năm, người trồng cao su Indonesia sản xuất trung bình 880 kg/hectare, chỉ bằng một nửa sản lượng tại Thái Lan hoặc Ấn Độ, những nước có sản lượng trên 1,5 tấn/hectare. Ông Suharto Honggokusumo, giám đốc điều hành Gapkindo, cho biết kế hoạch tái thiết của chính phủ đã thất bại trong việc giúp các nhà sản xuất nhỏ tăng sản lượng dù kế hoạch này đã được thực hiện từ năm 2007.
Những nhà sản xuất nhỏ chiếm 86% diện tích trồng cao su của Indonesia, 14% còn lại thuộc về tư nhân và các doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Suharto Honggokusumo, nhiều nông dân trồng cao su nhỏ lẻ không thể tiếp cận với nguồn vốn bởi hầu hết trong số họ không có chứng nhận sử dụng đất làm thế chấp cho khoản vốn vay.
Chương trình tái thiết của chính phủ Indonesia liên quan đến ba mặt hàng nông sản chính của nước này là dầu cọ, cao su và ca cao. Theo chương trình này, chính phủ sẽ phân bổ 514,8 tỷ USD trong giai đoạn 2007 – 2010 để hỗ trợ lãi suất vay vốn, thông qua bảy ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm cả Bank Mandiri và Bank Rakyat Indonesia. Chương trình này nhằm mục tiêu tăng 1,5 triệu hectare diện tích trồng mới, bao gồm 1,3 triệu hectare trồng cọ, 50 ngàn hectare cao su và 11 ngàn hectare ca cao. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ 6 ngàn hectare diện tích cao su trồng mới được thực hiện theo chương trình này.
Ông Suharto cho biết năng suất cao su thấp của Indonesia có thể xuất phát một phần từ việc sử dụng giống chất lượng thấp, năng suất kém và kỹ thuật trồng, lấy mủ chưa hợp lý. Ông nói: “Vấn đề nằm ở chỗ chúng tôi đào tạo nông dân chưa tốt và sức mua của họ còn yếu”, đồng thời cho biết thêm 40% nông dân trồng cao su vẫn sử dụng các loại giống chất lượng kém.
Indonesia hiện là nhà sản xuất cao su tự nhiên lớn thứ 2 thế giới sau Thái Lan. Hoạt động trồng cao su của nước này tập trung chủ yếu ở Sumatra, Java và Kalimantan. Năm 2011, sản lượng cao su nước này dự đoán đạt 3,08 triệu tấn, tăng 2,85 triệu tấn trong năm 2010. Sản lượng cao su thế giới năm 2011 ước đoán đạt mức cao, 10 triệu tấn.
Nguồn: Jakarta Post
http://www.agro.gov.vn