Ông Nguyễn Đình Trạc, Tổng giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) tính toán, vốn đầu tư trồng cao su vào khoảng 130 triệu đồng/héc-ta. Trồng 6 năm khai thác 25 năm, sau đó bán cây cao su lấy gỗ. Nếu tính 350.000 đồng/cây thì 1 héc-ta cao su cho thu hoạch 180 triệu đồng, đã đủ lấy lại vốn đầu tư.
Nếu tính trung bình 1 héc-ta cao su cho thu hoạch 2 tấn mủ/năm, tương đương 2.500 tỷ đồng/năm.Ông Trạc cho biết, do trồng cao su là siêu lợi nhuận nên DLG đã xin 8.300 héc-ta đất ở Gia Lai Kontum để trồng cao su. DLG trồng trước 5.000 héc-ta đất liền thửa, là nguồn để tạo doanh thu cho Công ty trong trung hạn.
Quốc Cường Gia Lai là một trong những công ty được tỉnh Gia Lai giao chỉ tiêu đất trồng cao su trên cùng một địa bàn trỏn thửa liền kề để thuận tiện cho trồng, chăm sóc, bảo quản và xây dựng đường giao thông và nhà máy chế biến mủ cao su. Với 4.000 héc-ta đất và kế hoạch cho các năm tiếp theo là 2010 trồng 1.000 héc-ta, năm 2011 trồng 2.000 héc-ta.Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai cũng nhận định, trồng cao su mang lại lợi nhuận rất cao. Dự kiến đến năm 2014, Quốc Cường Gia Lai bắt đầu có nguồn thu từ lĩnh vực này. Ước tính, hàng năm lợi nhuận Quốc Cường Gia Lai thu được từ 4.000 héc-ta cao su sau khi trừ các khoản chi phí là 400 tỷ đồng/năm, tính theo giá cao su thị trường hiện nay.Kế hoạch trồng cao su hoành tráng nhất phải kể đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với 51.000 héc-ta cao su trồng tập trung ở Lào, Campuchia và Việt Nam. HAGL sẽ hoàn thành trồng xong 51.000 héc-ta vào năm 2012. Đến năm 2012, lứa cao su đầu tiên của HAGL bắt đầu cho sản phẩm. Sau khi 51.000 héc-ta cao su cho mủ, mỗi năm HAGL có thể thu hoạch 127.500 tấn mủ khô xuất khẩu mang lại doanh số khoảng 382,5 triệu USD.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL cho biết, lợi nhuận từ cao su còn lớn hơn cả lợi nhuận từ bất động sản mang lại hiện nay. Cao su là cây mang lại giá trị kinh tế cao. Trồng cao su không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhưng ngành này lại có khả năng mang về dòng tiền và lợi nhuận cao.Theo các doanh nghiệp, trồng cao su không phải là lĩnh vực khó. Kỹ thuận trồng và giống mới được du nhập từ các nước có ngành cao su tiên tiến như Malaysia và Thái Lan. Cơ bản là các doanh nghiệp phải có quỹ đất để trồng cây.
Ở các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, đất trồng cao su được hỏi mua bán sôi động ở các điểm môi giới. Quỹ đất trồng cao su ở trong nước không còn nhiều, các doanh nghiệp trong nước đã tìm kiếm quỹ đất trồng cao su ở Lào và bắt đầu mở rộng xin cấp đất trồng cao su ở Campuchia.
Tuy nhiên, việc trồng và khai thác cây cao su cũng có những rủi ro nhất định như rủi ro về thời tiết, rủi ro về thị trường. Giá mủ cao su có thể hạ thấp nếu giá dầu giảm, do dầu lửa cũng là nguyên liệu để sản xuất nhiều sản phẩm mà cao su là nguyên liệu.
Thành Nam – (Theo ĐTCK)
Tag: Trồng cao su, trong cao su, trong cay cao su, co nen trong cao su, trồng cây cao su, mua cây giống cao su