Đánh giá mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu hàng hóa trên thế giới tiếp tục tăng, kéo theo giá nhiều loại hàng hóa nhiên liệu và nông sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 5, giá cà phê tăng 57,6%, giá cao su tăng 62%. Diễn biến này có khả năng duy trì trong những tháng tới.
Giá cà phê liên tiếp lập kỷ lục mới và hiện đã vượt 51.000 đồng/kg. Tại các vùng trồng trọng điểm như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, giá cà phê nhân xô đã lên mức xấp xỉ 52.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh xuất khẩu vẫn có xu hướng tăng giá mua nhằm thu gom hàng dự trữ trong dân.
Diễn biến giá như trên được phân tích do sự mất cân đối cung cầu, còn sự lũng đoạn của giới đầu cơ ít được nhắc đến. Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo, sản lượng cà phê của Brazil – nước sản xuất lớn nhất thế giới – tiếp tục giảm. Sản lượng của Brazil niên vụ 2011/2012 (tháng 4/2011 – tháng 3/2012) sẽ chỉ đạt 43,5 triệu bao, so với 48,1 triệu bao trong vụ vừa qua. Brazil hạn chế đưa cà phê robusta ra thị trường, vì nhu cầu tiêu thụ và chế biến trong nước ngày càng gia tăng. Tương tự, sản lượng cà phê của Indonesia được dự báo giảm 15% trong năm nay, vì lượng mưa nhiều hơn bình thường trong những tháng trước. Sản lượng vụ này của Indonesia có thể chỉ đạt 7,885 triệu bao, so với 9,305 triệu bao của vụ trước đó. Xuất khẩu do đó nhiều khả năng giảm 20%, xuống còn 5,925 triệu bao. Indonesia hiện là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới, sau Brazil và Việt Nam. Ấn Độ cũng hạn chế xuất khẩu cà phê vì lý do tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, lượng hàng của Việt Nam có được từ vụ mùa vừa qua hiện gần cạn kiệt.
Cơn sốt giá đã đẩy các hợp đồng chốt phiên giao dịch tuần qua trên thị trường London lên mức xấp xỉ 2.600 USD/tấn. Giá cà phê arabica giao dịch tại New York đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm qua, còn giá cà phê robusta tăng 84%. Giá cà phê robusta của các nước sản xuất lớn liên tục tăng, vì nguồn cung ngày càng hạn chế. Với cà phê arabia, ngay như tập đoàn cà phê lừng danh thế giới Starbucks, vốn có thế mạnh trong các cuộc đàm phán thương mại, mới đây cũng thông báo tăng 17% giá cà phê bán lẻ tại Mỹ và 6% giá bán tại Canađa; lần tăng giá trước họ chỉ điều chỉnh có 4%.
Tuy vậy, các nhà giao dịch cần chú ý tới cảnh báo của ICO, giá cà phê cao có thể khuyến khích nông dân thúc đẩy sản xuất trong niên vụ 2011/2012 bắt đầu từ tháng 10 năm nay ở phần lớn các nước, giúp bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung của Brazil gây nên. ICO dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu vụ 2010/2011 sẽ đạt 133 triệu bao, tăng 8,1% so với niên vụ trước đó.
Không tăng phi mã như cà phê, song giá cao su đang tiến từng bước vững chắc. Số liệu từ Tập đoàn Cao su Việt Nam cho thấy, giá cao su đang có xu hướng tăng trở lại và hiện giá cao su xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đạt mức 99,5 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 3,5 triệu đồng/tấn so với hồi đầu tháng 5.
Dù chưa đạt mức cao kỷ lục cách đây hai tháng (khi đó, giá cao su tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, gần 120 triệu đồng/tấn), nhưng đây cũng là mức giá khả quan cho ngành cao su trong nước. Giá cao su được nhận định sẽ tăng trong ngắn hạn do nguồn cung cao su của thế giới suy giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường khác vẫn ở mức cao. Mặt khác, giá dầu thô tăng cũng góp phần hỗ trợ cho giá cao su thiên nhiên tăng trở lại. Bên cạnh đó, 3 nước sản xuất nhiều cao su thiên nhiên là Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẵn sàng áp dụng giải pháp mua dự trữ cao su và không bán dưới giá sàn 4.000 USD/tấn.
Tại Việt Nam, triển vọng lạc quan của ngành cao su là lý do trong năm 2011 cả nước dự kiến đưa thêm 11.500 héc-ta vào khai thác và năng suất bình quân dự báo sẽ đạt 1.733 kg/héc-ta. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, dự kiến sản lượng cả năm 2011 sẽ tăng 3,4% so với năm trước, đạt 780.000 tấn. Hiện Việt Nam đang là nhà sản xuất cao su đứng thứ 5 trên thế giới, với tổng diện tích gieo trồng 378.700 héc-ta.
Tuần qua, trên các sàn giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có sự sôi động hơn so với tuần trước đó. Đơn cử, tại Trung tâm cà phê Buôn Ma Thuột, tổng kết dữ liệu giao dịch cho thấy, trong tuần có 243 lệnh được khớp, với giá trị 23,68 tỷ đồng. Tuần trước đó chỉ có 12 lệnh khớp, với giá trị 1,75 tỷ đồng.
Theo: ĐTCK-online