* Cơ quan chức năng ngó lơ!
Hiện mỗi ngày có hàng ngàn tấn mủ nước cao su của nông dân bán cho hàng nghìn đại lý thu mua lớn, nhỏ nằm rải rác khắp các vùng nông thôn với doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Điều đáng nói, rất nhiều thủ thuật được các đại lí dùng để rút tiền của nhà nông nhưng đến nay chẳng cơ quan nào đứng ra kiểm soát!
Chúng tôi về huyện Bến Cát, nơi có diện tích cao su tiểu điển đứng đầu tỉnh với 21.000 ha, trong đó có 18.000 ha đang khai thác, sản lượng hàng năm đạt trên 30.000 tấn mủ qui khô, tương đương với khoảng 10.000 tấn mủ nước bán cho các đại lý thu mua nông sản tư nhân ( cứ 3 lít mủ đánh đông, chế biến được 1 kg mủ khô). Với giá mủ đang lên rất cao, tới 20.000 đ/lít mủ ( tương đương khoảng 60 triệu/tấn mủ khô) cao hơn 20- 25% so với cùng kỳ năm ngoái thì đã có hàng tỷ đồng đổ vào thị trường buôn bán tư nhân này.
Nếu tính cả tỉnh Bình Dương, với diện tích 65.000 ha cao su tiểu điển đang khai thác thì số tiền mua bán mủ tại khu vực này cực kỳ lớn. Tại sao các công ty cao su nhà nước lại không tiêu thụ? Ông Trần Trung Sơn, Trưởng phòng Kinh tế huyện giải thích, bán cho công ty người ta mua đúng chuẩn nhưng nông dân gặp bất lợi, thứ nhất ở các nông trường chỉ mua đến 9,10 giờ sáng; hai nữa là thanh toán chậm, còn tư nhân sau khi cân, tính “độ” (qui khô) là trả tiền ngay. “Đại lý tư nhân hiện có hai loại, loại lớn mua 1 tấn mủ nước/ngày trở lên, nhà nước có thể quản lý được để thu thuế, còn loại nhỏ mua dăm vài tạ thì vô số không biết được, loại này hầu hết đều “chui” đến từng lô cao su vùng sâu, vùng xa mua của bà con, sau đó đem về bán lại cho các đại lý lớn ăn hoa hồng. Mua buổi sáng thì buổi chiều cùng ngày các đại lý lớn mang bán ngay cho các NM chế biến tư nhân trong vùng”- ông Sơn nói.
Để tìm hiểu các đại lý đã mua mủ như thế nào, anh Hùng, một cán bộ Trạm KN huyện đã tình nguyện dẫn chúng tôi đi “mục sở thị” suốt cả buổi chiều, và điều bất ngờ nhất là các đại lý mua theo 2 cách, mà dân gọi là mua theo “gam” và “ống nghiệm”.
Một đại lý mua mủ theo phương pháp “gam”
Điểm khác nhau cơ bản là một bên dùng cân từ A- Z (cân thường dùng trong “thử vàng”); một bên dùng ống nghiệm lường (thể tích) và cân, nhưng giống nhau là đều dùng chảo và bếp gas mi-ni để nướng. Khi người nông dân mang mủ đến bán, sẽ được lấy ra một ít đưa vào chum nhỏ bằng nhựa để cân hoặc cho vào ống lường với thể tích xác định là 10 g. Sau đó, đem lên bếp gas đốt (nướng) thành miếng cao su khô quéo, lên màu vàng của bánh tráng thì ngưng. Miếng cao su khô này dùng bằng “gam” thì đem lên cân lần nữa để biết bao nhiêu “độ”, còn bằng “ống” thì đem “cộng trừ nhân chia” trên giấy để báo kết quả.
Điều đáng nói, đây là các phép tính khoa học, nhưng hầu hết các đại lý không hề thông qua một lớp tập huấn mà chủ yếu học hỏi lẫn nhau và dựa vào kinh nghiệm là chính. Đặc biệt, các dụng cụ đo lường có liên quan đến quyền lợi của người nông dân lại không nằm trong tầm kiểm định của cơ quan chức năng. Thế nên, phương pháp cân “gam” theo phản ánh của nhiều nông dân thì chính xác hơn bởi nó là cái cân, người bán nhìn thấy kết quả từ trên bàn cân, còn phương pháp “ống” kia “đểu” hơn, bởi chỉ thấy được qua ống lường thể tích, thay vì 10 g thì có khi người ta “bóp lại” ít hơn khó mà phát hiện.
“Nguyên tắc chung, nếu người mua qui khô theo thể tích thì phải nhân với thể tích, còn theo trọng lượng thì nhân với trọng lượng. Tuy nhiên, trong ống nghiệm người ta có thể ăn gian tỷ trọng (trọng lượng nước và mủ), bằng cách nhân thêm hệ số 0,98 mà người dân rất khó phát hiện. Ngoài ra, các cơ quan chức năng có thể kiểm tra dụng cụ đo lường như cân, ống nghiệm, bình.. nhưng trong vấn đế đốt (nướng) thì chưa có tiêu chuẩn xác định”- (Ông Huỳnh Hữu Hiền, Trưởng phòng KH-TC Viện Nghiên cứu Cao su VN)
Chẳng hạn, vào 3 ngày 7,9 và 11/9, trong khi chị Nguyễn Thị Nương ( ấp 1, Long Nguyên) bán cho đại lý Chánh Khải (Long Nguyên, Bến Cát) đo bằng “ống” giá 541 đồng, 555 đồng và 565 đồng/độ thì ông Lương Mão (ấp 2, Tiến Hưng, Đồng Phú, Bình Phước) bán cho đại lý Sinh Lục (ấp 2, Tiến Hưng) bằng cân “gam”, giá chỉ có 500 đồng, 550 đồng và 550 đồng/độ. Giải thích vì sao có sự chênh lệch như vậy, chị Trần Thị Sinh, chủ đại lý Sinh Lục trả lời ngắn gọn: “Người ta tính bằng ống nên mất độ, buộc phải mua giá cao, còn tôi tính bằng gam chính xác hơn nên bù qua sớt lại cũng như nhau cả thôi (!?)”.
"Người mua còn có thể sử dụng thủ thuật trong quá trình nướng cháy mủ cao su để ăn gian. Chỉ cần đốt cháy thêm lên một tí, hàm lượng khô càng giảm dẫn tới mất độ, ví dụ ngày 9/9, giá mua 570 đồng/độ, họ chỉ cần ăn gian nửa độ, mua 1 tấn mủ tức họ đã “lãi” 0,5 độ x 570 đồng/độ x 1.000 kg= 285.000 đồng/ngày”- ông Võ Nhật Thành, Chủ tịch xã Lai Uyên, huyện Bến Cát tố.
Ông Nguyễn Công Quế, Chủ tịch UBND xã Tiến Hưng cũng bày tỏ bức xúc: Mỗi ngày họ thu mua tiền tỷ, có thể ăn gian tiền triệu, thế mà lâu nay chẳng ai kiểm tra, kiểm soát gì cả. Quản lí thị trường lâu lâu có nhảy vào, còn Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng thì chẳng thấy đâu. Chúng tôi cũng đành bó tay thôi".
Không nên mua bán bằng phương pháp “ống đong”
Đúng là trên thị trường mua bán mủ cao su tiểu điền người ta đang dùng 2 phương pháp đo độ mủ bằng cân “gam” và “ống đong” (lường), trong đó mua bằng cân gam xác định độ mủ tối ưu và loại bỏ những sai số nhiều nhất. Đây là phương pháp đang được các Cty cao su và NMSX chế biến mủ áp dụng. Tuy nhiên, trong dân thì người ta lại không thích dùng phương pháp này, bởi nếu dùng cân gam thì có 2 số lẻ, cân hai lần (lần đầu cân 10 g mủ, lần sau cân tính qui khô–TSC) nên người mua khó ăn gian được người bán (mủ).
Thế nên, người ta dùng phương pháp ống đong nhiều hơn bởi 3 lý do: Một là, thị trường hiện có rất nhiều loại ống đong của Trung Quốc mua bán với giá rẻ, hiệu chỉnh chỉ có 9,2-9,5 nhưng vẫn ghi là 10ml. Hai là, trong ống đong lại có hiện tượng mủ dính nước rất cao do chiều cao của ống và đường kính của ống lại hẹp nên không thể đưa cái gì vào thụt rửa cũng được. Ba là, dùng cân sai (số) để cân trọng lượng qui khô (không phải cân 2 số lẻ).
Thế nhưng, theo qui định của Bộ KH, CN- MT thì chúng tôi chỉ có thể kiểm tra cân “gam”, yêu cầu dán tem kiểm định, còn ống đong (trước đây gọi là ống nghiệm) do không nằm trong danh mục, chỉ có hiệu chỉnh sai số, ví dụ tại 10 mml thì được phép sai bao nhiêu ml để người ta biết mà bù trừ, chứ không bắt buộc kiểm định về phương tiện đo lường. Vì vậy, thông qua Báo NNVN, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mua bán mủ cao su tiểu điền bằng phương pháp “ống đong” như hiện nay.
Đỗ Quyên – Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam