Đối với vườn cây cao su thuộc nhóm III, việc cạo đục dễ mất kiểm soát khiến lượng mủ thất thoát nhiều do khoảng cách từ miệng cạo đến chén hứng mủ quá xa (thường là trên 3m) nên mủ thường chảy ra ngoài.
Để khắc phục hiện tượng này, người công nhân thường dùng đinh và dây dẫn để dẫn mủ từ miệng cạo đến chén. Thông thường, người công nhân phải dùng thang bắc lên cây rồi dùng búa đóng đinh và buộc dây dẫn. Tuy nhiên, công việc này tốn rất nhiều thời gian vì phải leo lên leo xuống rất nhiều lần và dễ dẫn đến xảy ra tai nạn lao động.
Nhằm giải quyết những khó khăn đó, anh Bùi Văn Đúng – công nhân Tổ 6, Đội 2, NT Thuận Đức (Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận) đã mày mò cải tiến một số thiết bị bán sẵn trên thị trường thành một thiết bị đóng đinh và máng từ xa.
Cấu tạo của thiết bị khá đơn giản: một cây tre có độ dài tương đối làm tay cầm, một ống pít-tông có lò xo chịu lực và một khe nhét máng, một khe nhét đinh. Khi muốn đóng đinh hoặc máng vào cây, người công nhân chỉ việc buộc sẵn dây vào cây đinh, sau đó cầm cán tre ấn vào cây vài lần thì đinh tự động găm vào cây.
Bài, ảnh: Thiết Công