Ngày 27/11, tại Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, VRG đã tổ chức Hội nghị bổ sung quy trình kỹ thuật cho cao su khu vực Duyên hải miền Trung. Tạp chí CSVN xin giới thiệu Quy trình kỹ thuật quan trọng này.
Chuẩn bị giống trồng, phương pháp trồng, cách trồng
– Sản xuất cây giống cao su áp dụng “QTKT cây cao su đã ban hành năm 2012; Ưu tiên sản xuấtgiống tại đơn vị, nếu không tự sản xuất phải mua giống nơi tin cậy do Tập đoàn chỉ định.
– Giống trồng: Khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bão thường xuyên cần sử dụng các giống chống chịu gió đã trải qua thử thách trong vùng: RRIC 100, RRIC 121, RRIM 712, GT 1 và RRIM 600. Việc sử dụng các giống khác cần phải có sự chấp thuận của Tập đoàn. Các khu vực khác tuân thủ theo cơ cấu giống khuyến cáo của Tập đoàn.
– Phương pháp trồng: Sử dụng cây con có trên 2 tầng lá.
– Cách trồng: Trồng âm so với mặt đất 15-20cm.
Thiết kế lô và xây dựng vườn cây
– Chỉ cho phép trồng mới hoặc tái canh cao su khi có sự kiểm định kết quả khảo sát vùng trồng và phân hạng đất trồng cao su của một tổ chức chuyên môn do Tập đoàn chỉ định.
– Mật độ, khoảng cách trồng trên đất dốc:
|
Mật độ (cây/ha) |
Khoảng cách |
Hướng hàng trồng* |
Trồng mới |
666 |
6m x 2,5m |
Theo đường đồng mức |
Tái canh * |
666 |
6m x 2,5m |
Theo đường đồng mức |
649 |
7m x 2,2m |
Theo đường đồng mức |
(*) Vùng tái canh: Tận dụng thiết kế hàng theo đường đồng mức sẵn có.
– Mật độ, khoảng cách trồng trên đất bằng:
Mật độ (cây/ha) |
Khoảng cách |
Hướng hàng trồng* |
|
Hàng đơn |
666 |
6m x 2,5m |
Đông – Tây |
649 |
7m x 2,2m |
Đông – Tây |
|
Hàng kép (*) |
588 |
12m x 5m x 2m |
Đông – Tây |
500 |
15m x 5m x 2m |
Đông – Tây |
(*)Thiết kế hàng kép dùng để trồng xen cây ngắn ngày ở những khu vực có điều kiện, hoặc để trồng xen cây lâm nghiệp (tràm, cây gỗ rừng, cây cao su thực sinh…) có chu kỳ tương đương cây cao su vào giữa 2 hàng kép. Cây lâm nghiệp trồng xen cần cách hàng cao su tối thiểu 5m. Khoảng cách trồng của cây lâm nghiệp trồng xen tùy theo loại cây, trồng từ 2-3 hàng. Riêng cao su thực sinh trồng xen theo khoảng cách 2m x 3m (3 hàng cao su thực sinh ở giữa cách khoảng 2m, cây cách cây 3m).
– Đối với các vùng cao su do đơn vị đang quản lý thường xuyên bị ảnh hưởng bão sẽ xây dựng các mô hình thực nghiệm riêng theo chỉ đạo cụ thể của Tập đoàn.
Thiết lập đai chắn gió
Trên khu vực đất bằng
– Loại cây sử dụng làm đai: Ưu tiên trồng cao su thực sinh hoặc cao su ghép gỗ – mủ, có thể kết hợp tràm bông vàng, keo lai, phi lao và các loại cây bụi tầng thấp, để tạo đai chắn gió nhiều tầng.
– Trồng 4-6 hàng đầu lô vuông góc với hướng gió chính (hàng theo hướng Bắc – Nam) với khoảng cách 1,5m – 2m x 1m – 1,5m (tùy theo loại cây) dạng nanh sấu cùng thời điểm trồng mới. Lặp lại đai 150 – 200m tùy theo địa hình.
Khu vực đất dốc
Trên đất dốc có địa hình chia cắt, thiết lập đai chắn gió dọc theo các khe gió (bờ sông, hợp thủy lớn); tận dụng đất trồng 4-6 hàng tràm và cây lâm nghiệp khác thành đai chắn gió (1,5m – 2m x 1m – 1,5m). Có thể chuyển 2 hàng cao su cặp ranh hợp thủy, sông thành 3 hàng cao su theo khoảng cách 3 – 3,5m x 4m nanh sấu làm đai cao su hạn chế gió đồng thời có thể khai thác mủ về sau. Đai chắn gió theo thiết kế này có thể lặp lại ở khoảng cách 150m – 200m theo đường đồng mức trong trường hợp sườn đồi đủ lớn.
Tạo tán trên vườn cây
Tạo tán cao su kiến thiết cơ bản:
Tạo tán ở độ cao từ 2,2m – 2,5m, năm thứ 2 vào thời điểm khi cây đủ độ cao, tiến hành cắt ngọn để tạo tán, không cắt ngọn tạo tán vào mùa đông.
Phương pháp:
– Cắt ngọn ở độ cao 2m – 2,5m trở lên, vị trí cắt nằm ở tầng lá trên cùng và chừa lại 3 lá ở đỉnh đã cắt. Chỉ tiến hành khi tầng lá trên cùng đã ổn định
– Số chồi để lại trên ngọn để tạo tán mới ít nhất 3 chồi, khoảng cách giữa các chồi tối thiểu từ 15cm và được phân bố đều các phía để tán lá mới cân đối, hạn chế gãy cành, gãy tán do gió.
Cắt ngọn tạo tán chừa lại 3 lá ở đỉnh.
– Tạo tán cho cành thứ cấp: Cành cấp 1 vào thời điểm 1 năm sau khi tạo tán lần thứ nhất, và chừa lại 2 chồi/cành với kỹ thuật tương tự.
– Đối với vườn cây KTCB đã trồng tiến hành bổ sung tỉa cành và tạo tán thứ cấp theo cách như trên.
Tỉa cành, mé nhánh, hạ thấp tán vườn cao su kinh doanh:
Tỉa bớt cành, nhánh không hữu hiệu, chừa lại 3-4 nhánh chính. Các cành có tán nặng, lệch nguy cơ gãy cao có thể cắt, tỉa bớt. Việc hạ thấp tán để phòng chống gãy đổ sẽ có hướng dẫn cụ thể sau.
Xử lý cây gãy đổ và thanh lý vườn cây
Xử lý vườn cây gãy đổ trên vườn cây KTCB
– Cây cao su bị long gốc: Lấp đầy đất vào lỗ hổng và dậm chặt phần gốc cây bị long.
– Cây bị gãy ngang thân: Cắt vát nêm hết phần phân cây bị dập gãy và bôi vaselin lên vết cắt để cây nảy chồi phục hồi.
Xử lý cây gãy đổ trên vườn cây KTCB năm 1-2
– Cây bị nghiêng, đổ: Tỉa bớt cành tán lá, chỉ chừa lại một số cành nhỏ cấp 1, dựng cây đứng và dùng dây néo cây đứng vững chắc, vun và dậm đất chặt kín phần lỗ hổng quanh gốc cây.
Xử lý vườn cây gãy đổ trên vườn cây nhóm kinh doanh
– Đối với những cây bị gãy ngang thân ở độ cao trên 2m: Cắt vát nêm ở phần thân chưa bị hư hại và bôi vaselin lên vết cắt để cây nảy chồi phục hồi.
– Đối với cây bị nghiêng, độ tuổi cạo từ 1-3: Cắt bỏ hết tán lá, kéo thẳng và giữ cho cây đứng vững như đối với cây cao su KTCB bị nghiêng, đổ.
– Cây bị trốc gốc, gãy ngang thân thuộc nhóm II và III: Cưa bán gỗ củi.
Lưu ý:
– Ưu tiên việc thực hiện thu dọn và xử lý cây đổ gãy ở vườn cây nhóm I và II có năng suất mủ cao để sớm đưa vào cạo lại.
– Xử lý sớm cây cao su bị long gốc, cây bị nghiêng, đổ gãy trên vườn KTCB và kinh doanh cạo 1-3 khi đất còn ẩm để cây mau hồi phục.
– Kiểm kê số cây gãy đổ, nghiêng, gãy thân, gãy cành, long gốc, cây đã được xử lý trên từng lô.
Tiêu chuẩn vườn cây thanh lý tái canh: Thanh lý toàn bộ để tái canh khi vườn cây bị gãy đổ có mật độ cây cạo còn lại <150 cây/ha. Vườn cây bị thiệt hại nhưng mật độ cây cạo còn > 150 cây/ha cần thẩm định cụ thể để có chế độ khai thác phù hợp.
Theo Tạp chí Cao su Việt Nam