Năng suất mủ cao su phụ thuộc vào đặc tính di truyền của giống, điều kiện sinh thái nơi trồng, kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt là hàm lượng và tỷ lệ các chất dinh dưỡng cung cấp theo yêu cầu sinh trưởng, phát triển của giống.
Hiện nay giá cao su cao nên xu hướng đầu tư cho thâm canh cao su cũng tăng. Người ta nghĩ rằng cứ bón phân nhiều thì năng suất mủ cao, nhưng nhiều kết quả nghiên cứu ở nước ngoài và cả trong nước cho thấy không hoàn toàn như vậy.
Trong điều kiện cụ thể của từng vùng thì việc cung cấp phân bón cần phải căn cứ vào chất đất và thời kỳ sinh trưởng của cây. Nhiều công trình nghiên cứu cũng như thực tiễn sản xuất cho thấy năng suất mủ cao su phụ thuộc chặt chẽ vào năng lực sinh trưởng của cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản (KTCB). Thời kỳ này dao động từ 6-8 năm đầu. Chính vì vậy, ngoài việc xác định mật độ thích hợp và kỹ thuật trồng thì việc bón phân cho cao su ở thời kỳ này cần được quan tâm đúng mức.
Những tài liệu công bố kết quả nghiên cứu bón phân cho cao su ở thời kỳ KTCB cho thấy rằng, đạm (N), lân (P) và kali (K) là 3 yếu tố cây cần nhiều hơn cả, trong đó N và P cây cần nhiều nhất để đâm cành, ra lá, phát triển bộ rễ và vanh thân. Cũng có người hỏi như vậy liệu ở thời kỳ KTCB, cao su không cần các chất trung và vi lượng như những loại cây trồng khác? Xin được trả lời rằng trong thời kỳ KTCB, cao su vẫn cần các chất trung và vi lượng như các loại cây trồng khác, đặc biệt khi cao su được trồng trên loại đất xám bạc màu hay đất có độ dốc cao, đất thường bị xói mòn.
May thay cao su có bộ rễ ăn sâu vào đất sớm, nên cây có khả năng tìm kiếm đủ để sử dụng cho nhu cầu sinh trưởng của cây trong giai đoạn cây chưa phải lâm vào thời gian cực trọng đối với các chất này. Dẫu vậy, để bảo đảm an toàn cho quá trình sinh trưởng của cao su, việc sử dụng loại phân bón có kèm theo trung và vi lượng vẫn được khuyến khích. Trong số các chất trung lượng thì Manhê (Mg), Canxi (Ca) và Lưu huỳnh (S) cây cần được cung cấp cũng rất khác nhau, phụ thuộc vào hàm lượng các chất này có sẵn trong đất và đặc tính của giống.
Ví dụ, một nghiên cứu ở nước ngoài về hiệu lực của Mg bón cho cao su KTCB đã chứng minh rằng chỉ có giống cao su RRIC103 được bón liều 11-22g Mg/cây mới làm tăng chất khô, còn các giống cao su khác như PB86, RRIC 100 và RRIC 121 thì không thấy có thay đổi cả trọng lượng tươi và cả chất khô ở mức đáng tin cậy. Chính vì vậy trong thời kỳ KTCB dù bạn bón loại phân gì cũng cần ưu tiên cung cấp đầy đủ và cân đối các chất đa lượng. Dựa trên các kết quả nghiên cứu trong nước và nhu cầu cao su ở thời kỳ KTCB, loại phân NPK 20-20-15+ TE Đầu Trâu được coi là có tính thích ứng rộng cho cao su trên nhiều vùng, và được khuyến cáo sử dụng theo các năm tuổi dưới đây:
Năm thứ 1: bón từ 150-200 kg/ha, tương đương với: 30-40N+30-40P205+22,5-30K20/ha.
Năm thứ 2: bón từ 200-250 kg/ha, tương đương với: 40-50N+40-50P205+30-37,5K20/ha.
Năm thứ 3: bón từ 250-300 kg/ha, tương đương với: 50-60N+50-60P205+37,5-45K20/ha.
Năm thứ 4: bón từ 350-400 kg/ha, tương đương với: 70-80N+70-80P205+52,5-60K20/ha.
Năm thứ 5: bón từ 450-500 kg/ha, tương đương với: 90-100N+90-100P205+67,5-75K20/ha.
Năm thứ 6: bón từ 550-600kg/ha, tương đương: 110-120N+110-120P205+82,5-90K20.
Trên đất đỏ chọn mức thấp, trên đất xám bạc màu và các loại đất khác chọn mức cao nhất. Đồng thời tùy theo tình trạng cây có thể điều chỉnh mức phân cho phù hợp. Bón các mức phân này sẽ tạo điều kiện cho vanh thân phát triển tối đa để chuyển vào khai thác được thuận lợi.
Khi chuyển sang thời kỳ khai thác (TKKT), việc bón phân cho cao su cần dựa vào lượng dinh dưỡng bị mất đi qua sản lượng mủ đã thu, lượng dinh dưỡng mất đi do bị rửa trôi và bị cố định trong đất. Đồng thời cũng tính đến lượng sinh khối do lá cao su rụng xuống đất. Theo tính toán khoa học, trung bình 30 năm khai thác, sản lượng mủ khô trung bình đạt 1.553kg/ha thì mỗi năm vườn cao su cũng nhận được 3.466 kg lá khô/ha. Lượng sinh khối này lần lượt được phân giải để trả lại cho đất chất hữu cơ, mùn và các loại khoáng mà cây đã lấy trong suốt đời sống của lá.
Các kết quả nghiên cứu cũng như kinh nghiệm thực tiễn cho thấy trong khoảng vài năm đầu của chu kỳ khai thác, lượng phân tồn dư ở thời kỳ KTCB có ảnh hưởng lớn đến sản lượng mủ. Vì vậy nếu thời kỳ KTCB được bón phân và chăm sóc cẩn thận thì vài năm đầu của TKKT nhu cầu phân bón không đòi hỏi khắt khe như các năm về sau. Thực tiễn cho thấy trong TKKT, lượng phân bón và tỷ lệ bón có sự khác biệt với thời kỳ KTKB. Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN, lượng phân bón trung bình nhiều vùng là 80N+60P205+80K20/ha. Theo kết quả nghiên cứu của Tống Viết Thịnh (2007), cao su khai thác từ 2-6 năm tuổi, lượng phân bón khuyến cáo là 87N-30P205-93K20 và từ 6-10 năm là 88N-30P205-80K20. Dựa trên các kết quả nghiên cứu này, đồng thời dựa vào kết quả điều tra, đánh giá trong sản xuất, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã sản xuất loại phân bón cho cao su thời kỳ khai thác hiệu Đầu Trâu NPK cao su 16-6-18 có chứa các chất trung và vi lượng cần thiết, phân dạng bột, dễ tan, tiện lợi khi bón thúc, chia ra bón 3 đợt: đợt 1/đầu mùa mưa; đợt 2/giữa mùa mưa và đợt 3/cuối mùa mưa. Lượng bón và thời kỳ bón được tóm tắt trong bảng sau:
Đất đỏ bazal, đất đen Liều bón 450-600kg/ha |
Đất xám bạc màu và đất khác Liều bón 500-700 kg/ha |
1/Đầu mùa mưa: 200-250kg |
1/đầu mùa mưa: 250-300kg |
2/Giữa mùa mưa: 100-150kg |
2/Giữa mùa mưa: 100-150kg |
3/Cuối mùa mưa: 150-200kg |
3/Cuối mùa mưa: 150-250 kg |
Liều lượng khuyến cáo trên có thể được điều chỉnh tùy tình trạng thực tế từng vườn cao su. Nhưng áp dụng lượng phân này sẽ rất thuận lợi về công bón, chỉ có 1 loại phân nhưng cân đối về tỷ lệ dinh dưỡng cho cao su khai thác để có năng suất và hiệu quả kinh tế tối ưu.
GS.TS. Mai Văn Quyền – Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam