Ông Nguyễn Ngọc Truyện, một chuyên gia có kinh nghiệm hàng chục năm nghiên cứu về cây cao su (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su VN) nhận định: Việc có tới gần 2 vạn ha cao su bị bão đánh đổ, gãy ở Bắc Trung bộ chắc chắn có nguyên nhân do giống…
Ông Truyện khẳng định, không phải gần đây cao su mới được đem trồng tại Bắc Trung bộ. Thực ra, khu vực này (từ Quảng Bình trở ra đến Thanh Hóa) đã được nghiên cứu rất kỹ và ngay từ năm 1958 Bộ Nông trường đã cho trồng cao su rồi (nông trường Quyết Thắng ở Quảng Trị, nông trường Việt Trung ở Quảng Bình, Đông Hiếu và Tây Hiếu ở Nghệ An, Thạch Thành ở Thanh Hóa…).
Sau giải phóng năm 1975, cao su trong Nam nhiều quá nên khu vực miền Trung dần bỏ lửng đi, không trồng cao su nữa. Tuy nhiên, khi chuyển từ cao su sang trồng các loại cây khác như cam, chuối, dứa, mít thì hầu hết đều bị chết và lỗ “toe xác pháo”; chỉ một số vùng còn giữ lại cây cao su thì sống ngon lành. Và đây cũng là lý do người dân dần quay trở lại phát triển cao su như ngày nay.
Là chuyên gia đầu ngành trong nghiên cứu về cây cao su, ông có đồng tình việc trồng cao su ở khu vực Bắc Trung bộ hay không?
Đặc điểm tiểu vùng khí hậu của Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ là hứng bão trực tiếp; mùa hè thì hạn, nóng; mùa đông rét; mùa xuân thì ẩm ướt dễ bệnh. Với khí hậu này, cộng với trước đây rừng còn nhiều thì đúng là không nên phát triển cây cao su rồi.
Nhưng sau này rừng bị phá hết và suốt mấy chục năm sau giải phóng dân không biết trồng cái gì, loay hoay trồng – chặt, chẳng cây nào hiệu quả. Còn hơn chục năm nay, dân trồng cao su giàu lên thấy rõ. Bây giờ, các anh cứ thử đến phỏng vấn các nhà vườn sau khi cao su gãy đổ, anh chị trồng lại cây gì?
Tôi đoán chắc phải 2/3 sẽ nói trồng lại cao su. Đơn cử như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi trước đây cũng bị bão gây hại 3.000 ha, mọi người cũng kêu rầm rầm, nhưng cuối cùng cây cao su vẫn được lựa chọn trồng lại vì hiệu quả kinh tế tốt nhất so với các cây khác.
Ngoài lý do bão năm nay lớn bất thường, có nguyên nhân nào khác cùng tác động mới có thể khiến gần 2 vạn ha cao su bị đổ, gãy đồng loạt hay không, thưa ông?
Tôi theo dõi và phân loại ra, thấy rất rõ, vườn cây của Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG) bị đổ gãy nhẹ hơn. Diện tích gãy chủ yếu ở vườn tiểu điền và vườn cao su do địa phương quản lý. Vậy nguyên nhân ở đây là gì?
Theo tôi, gãy nhiều là do giống. Những vườn cao su bị đổ gãy chủ yếu rơi vào giống cho năng suất cao (như RRIV 4) nhưng khả năng chống chịu gió bão rất kém. Dân trồng chủ yếu tự phát, tự đi kiếm giống về trồng và chỉ tập trung cho năng suất.
Mấy năm qua giá cao su cao ngất ngưởng, dân đổ xô vào trồng tự phát, không theo cơ cấu giống, nhiều người tự vào Nam mua giống trôi nổi. Trong khi đó, thị trường giống ở phía Nam hết sức náo loạn, đủ các loại được quảng cáo “siêu năng suất” nhưng chất lượng chẳng biết ra sao.
Chúng tôi cũng nghiên cứu rồi, ở miền Trung phải chấp nhận dùng giống cho năng suất thấp hơn nhưng có khả năng chống chịu gió bão tốt. Bài học về giống cao su không phù hợp trước đây trồng tại khu vực miền núi phía Bắc còn hiển hiện rất rõ, vì thế việc chọn đúng giống cho miền Trung cần đặc biệt quan tâm.
Trước hết, cơ quan chức năng cần tổng kiểm tra, khảo sát lại các giống cao su đã và đang trồng tại đây, từ đó tổng kết, đánh giá và đưa ra khuyến cáo rộng rãi đến người trồng cao su. Nhưng việc này có thể sẽ mất nhiều thời gian.
Muốn có thông tin nhanh rất cần các cơ quan thông tấn báo chí cử phóng viên đến các khu vực cao su đổ gãy nhiều để điều tra thực tế giống cao su trồng chủ lực tại đây là gì, từ đó khuyến cáo nhanh cho bà con nông dân.
Ông nói rằng phải tuân thủ cơ cấu giống cho vùng Bắc Trung bộ, vậy đó là các giống gì?
Các nhà khoa học đã nghiên cứu bộ giống cao su phù hợp với đặc điểm khí hậu của miền Trung rồi như: RRIM 712, RRIM 600, GT 1 chống chịu khá hơn gió bão.
Tai hại là nhiều người dân sử dụng khá nhiều giống năng suất cao như RRIV 4 trong khi sức chịu gió chỉ bằng 1/5 các giống này. Hiện các đơn vị thuộc VRG đóng tại Bắc Trung bộ đã đưa 3 giống RRIM 712, RRIM 600, GT 1 vào trồng đại trà tới 55% diện tích, các giống khác chiếm 45% cũng có thế mạnh là chịu được gió.
Từ sự cố này, tôi thấy rằng đây là cái giá của tự phát, thiếu quản lý về mặt nhà nước, thiếu định hướng, thiếu hướng dẫn cho người dân lựa chọn giống phù hợp với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung.
Tốt nhất là các Sở NN-PTNT từng tỉnh phải tổ chức làm dịch vụ kỹ thuật cho người dân và chịu trách nhiệm về vấn đề này, đặc biệt là về giống cao su.
Tôi để ý ở khu vực trồng cao su Nam Đông, Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) vừa qua bị bão nhưng gãy đổ rất ít. Tìm hiểu ra mới biết là do Sở NN-PTNT tỉnh này trước đây đã vào tận Viện Nghiên cứu cao su ký hợp đồng mua đúng với cơ cấu giống được khuyến cáo nên hạn chế được tác hại cho người dân.
Xin cảm ơn ông!
Q.NGỌC – B.NGUYỄN (nongnghiep.vn)