Tại các cuộc họp bàn về phương án giảm suất đầu tư nông nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, với các đơn vị khu vực miền Đông Nam bộ, Ban Quản lý Kỹ thuật VRG đã giới thiệu mô hình trồng cao su theo hàng kép, nhằm tạo diện tích và thời gian cho trồng xen canh.
Tăng diện tích và thời gian trồng xen
Theo phân tích của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, thiết kế theo hướng hàng kép có ưu điểm, trên cơ sở giữ được thiết kế 500 cây cao su/ha để đảm bảo năng suất cao về sau cho vùng Đông Nam bộ, đồng thời tạo không gian đủ rộng, đủ ánh sáng giữa 2 hàng kép cho việc trồng xen lâu dài, cho cây cao su trong hàng kép và nhu cầu cơ giới hóa việc trồng xen.
Qua đó, đề suất thiết kế cao su cho hàng kép với khoảng cách giữa 2 hàng đơn trong hàng kép (5 – 6 mét); khoảng cách cây cao su trên hàng kép 2 mét, trồng nanh sấu; khoảng cách giữa 2 hàng kép 14 mét nếu khoảng cách giữa 2 hàng đơn 6 mét, 15 mét nếu khoảng cách giữa 2 hàng đơn 5 mét. Đặc biệt nên thiết kế hàng cao su theo hướng Đông – Tây trên đất bằng, để tạo điều kiện về ánh sáng cho không gian giữa 2 hàng kép.
Với thiết kế vườn cao su như vậy, diện tích và thời gian cho việc trồng xen trên vườn cao su tăng cao. Không chỉ vậy, mật độ cao su vẫn đảm bảo để đạt năng suất tốt từ 2 đến 2,2 tấn/ha ở Đông Nam bộ, duy trì được biện pháp thảm phủ cải tạo đất, quan trọng cho vùng đất đã tái canh nhiều chu kỳ ở Đông Nam bộ.
Đồng thời cho phép sử dụng được cơ giới cho việc trồng xen cao su như phun thuốc trừ bệnh và bón phân; ít ảnh hưởng bất lợi cho cao su khi trồng với khoảng cách cây gần hơn thông thường (2 mét so với thông thường 2,5 – 3 mét), nhờ khoảng không gian rộng, nhiều ánh sáng 2 bên của hàng kép giúp giảm bệnh hại trên cây cao su, đặc biệt là bệnh lá.
Đa dạng hóa việc trồng xen
Ông Lại Văn Lâm – Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG cho rằng, việc trồng xen trong vườn cao su trồng hàng kép không chỉ được lâu dài, mà các đơn vị còn có điều kiện chuyển đổi nhiều loại cây phù hợp có giá trị kinh tế cao. Cụ thể:
Đối với cây ngắn ngày: 3 năm đầu có thể trồng xen toàn bộ diện tích (bao gồm cả diện tích giữa 2 hàng đơn trong hàng kép). Sau đó, trồng xen trên khoảng không gian giữa 2 hàng kép, trồng thảm phủ mucuna vào giữa 2 hàng đơn vào năm cuối năm trồng xen hoặc sau khi hết trồng xen được trong hàng đơn. Sau khi lượng ánh sáng còn ít có thể trồng cây chịu bóng.
Đối với cây dài ngày (dạng cây thấp hơn cao su): Chỉ nên trồng vào khoảng không gian giữa 2 hàng kép, cách hàng cao su 4 đến 5 mét. Trên đường luồng giữa 2 hàng đơn của hàng kép nếu không trồng cây ngắn ngày, nên thiết lập thảm phủ hỗn hợp kudzu và mucuna ngay từ đầu.
Trồng xen cây lâm nghiệp: Chỉ nên trồng vào khoảng không gian giữa 2 hàng kép, cách hàng cao su 4 đến 5 mét (nếu cây lâm nghiệp có chu kỳ dài tương đương cây cao su nên cách 5 mét). Trên đường luồng giữa 2 hàng đơn của hàng kép nếu không trồng cây ngắn ngày, nên thiết lập thảm phủ hỗn hợp kudzu và mucuna ngay từ đầu. Nên thiết lập thảm phủ hỗn hợp kudzu và mucuna trên khoảng cách ly giữa hàng cao su và cây lâm nghiệp để chống cỏ dại, bảo vệ đất. Thực chất có thể có thể phát triển thảm phủ ngay cả trên diện tích trồng cây lâm nghiệp.
Ông Lại Văn Lâm phân tích thêm: “Quan sát các mô hình trước đây (4 x 2 x 16) từ năm thứ 7, thứ 8 trở đi, cành chính, chồi ngọn sẽ có xu hướng vươn ra khoảng không gian giữa 2 hàng kép. Vì vậy chúng ta có thể áp dụng biện pháp tỉa chồi, tạo tán thứ cấp để tăng lượng ánh sáng cho diện tích xen canh”.
Trong vấn đề lựa chọn cây trồng xen, ông Lại Văn Lâm cho rằng, cần phải thử nghiệm đa dạng hóa cây trồng, bởi đây là vấn đề quan trọng trong việc trồng xen có hiệu quả, nhất là cho mô hình trồng xen dài ngày theo thiết kế trồng hàng kép.
Song song đó cần quản lý tốt trong quá trình trồng xen để đảm bảo mục tiêu không cạnh tranh xấu với cây cao su. Cây trồng xen phải được đầu tư hợp lý, nhất là vấn đề phân bón để không ảnh hưởng bất lợi đến cây cao su. Phân bón cho cây trồng xen phải theo quy trình riêng cho từng đối tượng cụ thể.
Ng. Cường – Tạp Chí Cao Su Việt Nam