Năm 2011, gần như toàn bộ vườn cây khai thác của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh bị nhiễm bệnh phấn trắng nặng, trong đó có nhiều vườn cây rụng lá đến 3 – 4 lần, ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất và sản lượng của công ty.
Thực hiện Công văn số 2819/CSVN – QLKT ngày 30/11/2011 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG) về việc triển khai công tác khắc phục vườn cây bị bệnh lá khu vực Tây Nguyên, công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phun phòng trị bệnh phấn trắng. Cụ thể như sau:
Phương tiện phun (máy phun)
– Công ty dùng máy cày MTZ+: Máy phun cao áp nhập ngoại hiệu A – 401- LH (2 máy phun); máy cày MTZ
+ máy phun cao áp Nhật Vĩnh (sản xuất ở VN, số lượng: 14 máy phun); máy cày Kubuta + máy phun cao áp Nhật Vĩnh (VN 3 máy phun). Tổng cộng: 19 máy phun.
– Thuốc phun cho công thức 1 gồm: 0,5 lít Anvil + 0,5 lít Carbenzin + 1 lít BDH (thuốc bám dính) + 0,5 lit phân Risopla + 400 lít nước/1 lần phun/1ha. – Thuốc phun cho công thức 2 gồm: 0,5 lít Anvil + 0,5 lít Carbenzin + 1 lít BDH (thuốc bám dính) + 2 kg phân KN03 + 400 lít nước /1 lần phun/1ha.
Kết quả thực hiện
– Diện tích của các nhóm vườn cây được phun thuốc: Tổng diện tích vườn cây kinh doanh được phun thuốc trị bệnh là 6.100 ha.
– Thời gian số lần triển khai phun thuốc: Sau khi vườn cây rụng lá, lá bắt đầu nhú chân chim thì tiến hành cho phun phòng bệnh lần 1, lần 2 cách lần 1 là 7 – 10 ngày. Ngừng phun khi có 80% lá mới ổn định, phun 3 lần (trên thực tế có những diện tích phun 4 đến 5 lần).
– Thời gian phun thuốc trong ngày: Buổi sáng: Bắt đầu phun thuốc trị bệnh từ 5h đến 9h, buổi chiều từ 14h đến 18h, năng suất làm việc của một ca máy từ 12 – 15ha/ngày. Lưu ý: không phun hỗn hợp phân và thuốc khi trời nắng gắt.
Kết quả phun thuốc
– Máy phun cao áp nhập ngoại hiệu A – 401 – LH: Ít tốn thuốc, nhưng chỉ phun được những diện tích vườn cây có chiều cao dưới 15m (chỉ thích hợp vườn cây trồng 2003, 2004, 2005). Trong quá trình phun máy ít bị hư hỏng.
– Máy cao áp do Nhật Vĩnh sản xuất tại Gia Lai: Tốn thuốc hơn so với máy cao áp nhập ngoại hiệu A – 401
– LH, nhưng phun được những diện tích vườn cây có chiều cao từ 15 – 25m. Trong quá trình phun máy thường xuyên bị hư hỏng.
– Những diện tích được phun thuốc kịp thời thuộc nhóm một (phun thuốc phòng trị bệnh kịp thời điểm ra lá mới qua đông): Kích thước lá to, tán lá dày, mật độ lá chiếm 90% đến 100% so với tán lá không bị bệnh phấn trắng sau mùa thay lá sinh lý hàng năm. Tuy nhiên, đối với dòng vô tính RRIV 4 mật độ lá hiện tại chỉ đạt 0 – 70% so với mức trung bình của các dòng vô tính khác.
– Những diện tích phun thuốc thuộc nhóm hai (lá ra đợt đầu bị bệnh phấn trắng rụng lá và tiếp tục ra lá lần 2): Do diện tích này lá ra lần 2 ít hơn lần 1 nhưng khi được phun thuốc phòng bệnh phấn trắng kịp thời nên mật độ lá hiện nay bằng khoảng 80% đến 90% so với vườn cây nhóm I.
– Những diện tích phun thuốc thuộc nhóm 3 (ra lá lần thứ 3): Những vườn cây này do rụng lá nhiều lần, khi ra lá lại, mật độ lá ít hơn, và nhỏ hơn, nên khi phun thuốc phòng bệnh phấn trắng trên diện tích này, mật độ lá hiện nay bằng 70% so với vườn cây phun nhóm I.
– Diện tích phun công thức phối trộn I (phối trộn phân Risopla) có lá chét to, rộng, dày và có màu xanh đậm hơn so với diện tích phun công thức phối trộn II (phối trộn phân KNO3) thì diện tích lá chét nhỏ, lá mỏng.
Nhận xét và kiến nghị
Năm 2012 công tác phun phòng và trị bệnh phấn trắng trên vườn cao su kinh doanh của công ty là rất hiệu quả đối với những vườn cây cao su có tán lá chiều cao dưới 25m. Đối với những vườn cây có tán lá chiều cao trên 25m thì hiệu quả đạt khoảng 70% (vì chỉ bảo vệ được hơn 2/3 tán lá phía dưới) do những diện tích này khi phun thuốc không phủ được phần tán lá trên ngọn cao.
– Diện tích đối chứng 3 ha cao su 1991 NT Hòa Phú và 1 ha vườn cây 2003 NT Ia Pếch không phun đến tại thời điểm này lá vẫn chưa ổn định và mật độ lá hiện tại chỉ chiếm 30% so với những vườn đã phun.
– Vì vậy, để việc phòng bệnh phấn trắng đạt hiệu quả cao thì cần phải tổ chức phun phòng sớm, phun đúng thời điểm, đúng thời gian quy định, chọn máy phun phù hợp độ cao của tán lá.
– Khi vườn cây rụng lá sinh lý toàn bộ, bắt đầu ra lá nhú chân chim thì tiến hành cho phun phòng bệnh phấn trắng trên toàn bộ diện tích khai thác ở Tây Nguyên (trong quá trình phun thuốc phòng bệnh nên phun kết hợp phân phun qua lá và có chất bám dính).
– Bổ sung chi phí phòng và trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su KTCB năm thứ 5, thứ 6 ở Tây Nguyên do những vườn cây này thường xuyên bị nhiễm bệnh phấn trắng nặng vào mùa thay lá mới hàng năm.
K.D (caosuvietnam.net) – (Theo tài liệu của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh)