351, ấp 3, Bến Củi

Dương Minh Châu, Tây Ninh

0395 41 51 21

Zalo , Facebook

T2 - CN : 7:30 - 19:00

Liên hệ tư vấn và báo giá

caosugiong.com

caosugiong.comHàng năm, cứ đến đầu mùa khai thác thì bệnh phấn trắng lại tấn công những vườn cây đang khai thác. Tùy theo thời tiết thất thường hay ổn định mà mức độ của phấn trắng nhiều hay ít. Theo PV Tạp chí CSVN ghi nhận được tại các đơn vị Tây Nguyên, năm nay là năm bệnh phấn trắng xuất hiện sớm và xảy ra trên diện rộng.

Công ty TNHH MTV CS Mang Yang: 100% vườn cây nhiễm bệnh ở cấp 5

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện bệnh phấn trắng đang xuất hiện nhiều nhất tại vùng phía Đông – Bắc của Tây Nguyên, nơi có các Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, Chư Păh, Mang Yang, Chư Prông và một phần của Công ty Chư Sê. Các đơn vị còn lại tuy có bị nhưng số lượng không lớn, chỉ lác đác vài lô. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang gửi lãnh đạo và Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, thì 100% vườn cây của công ty đều bị bệnh ở cấp 5.

TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, ông Lê Đức Tánh cho biết: “Sau Tết Nguyên đán, lượng sương mù phủ dày đặc, trong khi lượng mưa hầu như không có, do vậy tất cả các nông trường đều bị nhiễm phấn trắng ở mức độ 4 – 5. Nặng nề nhất tại công ty chúng tôi là NT Ia Phú và Ia Pếch. Đến thời điểm này, vườn cây của chúng tôi đã có 30% số diện tích bắt đầu ra lá lần hai. Những năm trước, vườn cây của công ty có nơi bị nơi không, còn năm nay nơi nào cũng bị”. Còn ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thì cho hay: “Công ty chúng tôi chỉ có khu vực của NT Đăk Tờ Re là bị ít, những năm trước vườn cây của công ty chỉ bị vài lô, còn năm nay thì rất nhiều”.

Tại khu vực phía Tây của tỉnh Gia Lai, bên cạnh Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông thì vườn cây của các công ty thuộc Binh đoàn 15 như Công ty 72, 75 và 74 cũng đều trở thành nạn nhân của bệnh này. Giám đốc NT Thống Nhất (Công ty Chư Prông) Nguyễn Trung Kiên cung cấp: “Trên địa bàn cao su của công ty thì khu vực các NT bị nhiễm bệnh nhiều nhất là Thống Nhất, Thanh Bình và Đoàn Kết, các NT khác như Suối Mơ, Hòa Bình thì ở mức độ khá nhẹ. Hiện vườn cây tái canh của chúng tôi cũng đã bị nhiễm bệnh nhưng chỉ ở cấp độ 2. Năm nay quả là một năm khó khăn, bởi kế hoạch và sản lượng của đơn vị chúng tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề!”.

Vườn cây của NT Ia Tiêm là đơn vị bị bệnh phấn trắng nặng nhất ở Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê. Ông Lâm Văn Hưng – Giám đốc NT Ia Tiêm than thở: “Toàn NT chúng tôi có 1.336 ha cao su kinh doanh thì 100% bị nhiễm bệnh ở mức độ 4 – 5. Có lẽ đến đầu tháng 5 NT mới có thể tiến hành cạo được và kế hoạch năm 2011 này hết sức khó khăn”. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo và Krông Buk cũng cho biết vườn cây đang bị bệnh, nhưng theo nhận định thì có phần nhẹ hơn một số đơn vị tại Gia Lai và Kon Tum.

Không thể phun trị vườn cây kinh doanh do chi phí cao

Do diện tích bị nhiễm bệnh rất lớn nên việc trị bệnh bằng biện pháp phun thuốc đang gặp khó vì chi phí cao. Ông Nguyễn Trung Kiên giãi bày: “Hiện vườn cây tái canh của chúng tôi cũng đang cho tiến hành phun thuốc chống bệnh. Tuy nhiên theo tôi là không mấy hiệu quả vì mức chi phí quá lớn”. Qua tiếp xúc với các cán bộ kỹ thuật cũng như lãnh đạo một số đơn vị, tất cả đều cho biết là chỉ có thể phun thuốc trên vườn cây tái canh, trồng mới vì cây còn nhỏ, dễ xử lý, riêng vườn cây kinh doanh thì không thể bởi diện tích nhiều, số lượng lớn không thể phun được vì chi phí rất lớn. Nói về các biện pháp phục hồi, ông Lê Đức Tánh cho rằng: “Khi trời mưa xuống, đủ độ ẩm thì cần phải bón phân cho kịp, đồng thời tăng lượng phân lên, tăng thêm một số vi lượng như bột kẽm hay lưu huỳnh để cây nhanh chóng phục hồi”.

Nhiều lãnh đạo công ty đã khẳng định chắc chắn năm nay sẽ mở miệng cạo trễ hơn năm 2010, từ 15 đến 30 ngày, nhiều khả năng giữa tháng 5 thì toàn bộ diện tích mới có thể đưa vào khai thác hết. Ông Tánh nhận định: “Về mặt kế hoạch và sản lượng sẽ không có sự thay đổi, nếu bước sang tháng 5 thời tiết ổn định, lượng mưa vừa đủ. Mặt khác, công ty tích cực vận động người công nhân đi làm và khai thác đúng quy trình kỹ thuật, tận thu tốt lượng mủ còn tồn, đồng thời bảo vệ tốt sản phẩm mà người công nhân khai thác được thì chắc chắn việc hoàn thành kế hoạch là khả thi. Ngoài ra, trong năm nay công ty chúng tôi sẽ nâng tổng diện tích cạo úp lên 1.850 ha, sẽ tăng đáng kể sản lượng, thậm chí có thể vượt chỉ tiêu kế hoạch giao”.

Văn Vĩnh – theo Tạp Chí Cao Su Việt Nam
Liên hệ ngay
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Gọi ngay