Tình trạng cung vượt xa cầu của ngành nguyên liệu cao su thiên nhiên (CSTN) đã đưa đến sự quan tâm và quan ngại cho các nhà sản xuất cũng như các nhà hoạch định chiến lược cho sự phát triển bền vững của CSTN toàn cầu.(*)
Thị trường thế giới: Nơi thừa nơi thiếu
Giá CSTN liên tục giảm mạnh trong thời gian vừa qua ngoài việc bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá dầu thô và khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn là hệ quả tất yếu của hiện trạng mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng. Theo dự báo của các chuyên gia thì giá CSTN từ nay đến năm 2020 sẽ chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh và chỉ nằm trong khoảng 2.000-2.500 USD/tấn. Bên cạnh áp lực về giá, các nhà sản xuất CSTN còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trong việc tìm thị trường để đảm bảo đầu ra.
Điều đáng lưu tâm là trong khi một số thị trường nhập khẩu CSTN hàng đầu, điển hình là Trung Quốc, đang có lượng tồn nguyên liệu rất lớn thì một số thị trường khác đang rất khát nguồn nguyên liệu CSTN. Các thị trường vẫn đang cần lượng nguyên liệu rất lớn có thể kể đến như EU, Nga, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Belarus với nhu cầu chủ yếu là chủng loại TSR 10, TSR 20, RSS hoặc cao su ly tâm để tập trung phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, băng tải và găng tay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nơi thì thừa nơi thì thiếu nguyên liệu này, trong đó chủng loại CSTN cung ứng không phù hợp với chủng loại cao su nguyên liệu các nhà sản xuất công nghiệp đưa vào tiêu thụ là một trong số các nguyên nhân chính.
Thị trường trong nước: Nhà nguyên liệu và sản xuất chưa gặp nhau
Hiện tại, ngành công nghiệp cao su cả nước có hơn 30 doanh nghiệp (DN) cỡ lớn và có hơn 150 DN vừa và nhỏ. Có thể kể đến như săm lốp xe các loại (Cao su Miền Nam, Cao su Đà Nẵng, Cao su Sao Vàng, Sailun, Kumho Vietnam, Bridgestone Việt Nam), găng tay (VRG Khải Hoàn, Việt Hùng – Casumina), nệm mút (Kim Đan, Kim Cương, Đồng Phú). Sản lượng nguyên liệu CSTN tiêu thụ nội địa liên tục tăng trong những năm vừa qua. Điều đáng nói là trong khi Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và xuất khẩu CSTN nhưng rất nhiều DN sản xuất sản phẩm cao su trong nước lại phải đi nhập nguyên liệu.
Nguyên nhân chủ yếu là các công ty cao su chưa đánh giá đúng tiềm năng thị trường và nhu cầu về chủng loại của các công ty công nghiệp cao su trong nước. Do vậy, sản phẩm cao su sản xuất ra không đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của các DN này. Cụ thể là các DN chủ yếu cần nguyên liệu SVR 10, SVR 20, RSS, latex ly tâm cho các hoạt động sản xuất săm lốp, cao su kỹ thuật và dân dụng, băng tải, găng tay, chỉ thun, keo dán thì các nhà sản xuất cao su nguyên liệu lại tập trung sản xuất phần lớn SVR 3L.
Tình trạng mất cân bằng cung cầu còn kéo dài
Thực trạng mất cân bằng nghiêm trọng trong cơ chế cung cầu CSTN toàn cầu trong đó cung luôn vượt xa cầu đã dẫn đến tình trạng giá cao su giảm sâu và chưa có tín hiệu phục hồi trong thời gian qua. Tình trạng này được các chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài đến năm 2020. Theo thống kê, 4 quốc gia nhập khẩu CSTN hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Malaysia, Mỹ và Nhật Bản với lượng nhập khẩu chiếm 66% tổng sản lượng xuất khẩu các nước thì phần lớn cao su nhập khẩu là loại TSR 10 và TSR 20 dùng để sản xuất lốp xe. Thái Lan, quốc gia sản xuất CSTN lớn nhất thế giới, là một ví dụ của quốc gia có cơ cấu sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu nhập khẩu của các nước.
Còn ở nước ta, theo thông tin sơ bộ, các công ty cao su hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng một số chủng loại sản phẩm cao su sản xuất ra rất khó tiêu thụ. Một trong những chủng loại này chính là cao su SVR 3L (sản lượng chiếm hơn 40% trong cơ cấu sản phẩm cao su của cả nước nói chung và của VRG nói riêng). Nguyên nhân của hiện trạng chủng loại SVR 3L chiếm phần lớn tỉ trọng có thể kể đến là do yếu tố lịch sử, quản lý, quy hoạch đầu tư và thị trường.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng: trước đây, trong giai đoạn sốt nguồn nguyên liệu CSTN thì cao su 3L rất dễ bán, lợi nhuận thu được từ việc sản xuất SVR 3L là cao hơn so với sản xuất các mặt hàng khác. Khách ’68àng lớn nhất của chúng ta khi đó là Trung Quốc (khoảng 50% xuất đi Trung Quốc do nước này có chính sách ưu đãi thuế cho SVR 3L). Tuy nhiên, khi nguồn nguyên liệu CSTN dự trữ của Trung Quốc đang ở mức cao cộng với sự gia tăng sản lượng cao su sản xuất bản địa như hiện nay thì việc xuất khẩu cao su 3L của chúng ta sang Trung Quốc gặp khó khăn.
Việc vẫn duy trì cơ cấu sản phẩm như hiện nay ở các công ty cao su sẽ dẫn đến sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cầu từ Trung Quốc và làm tăng lượng cao su tồn kho, đặc biệt là cao su SVR 3L, do không đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Thêm vào đó, theo IRSG thì tổng nhu cầu CSTN của cả thế giới vào năm 2020 là khoảng 15 triệu tấn, trong đó có 11 triệu tấn cao su dùng để sản xuất lốp xe và chỉ có khoảng 150 ngàn tấn TSR 3L. Trong khi đó, sản lượng cao su SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu trong năm 2013 là 472 ngàn tấn (chiếm 96% tổng sản lượng TSR 3L xuất khẩu toàn thế giới). Như vậy theo dự báo thì trong những năm sắp tới Việt Nam sẽ bị tồn kho khoảng 300 ngàn tấn SVR 3L mỗi năm nếu như không có giải pháp hợp lý.
(*)Nguồn từ đề tài “Đề xuất cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên đáp ứng nhu cầu thị trường giai đoạn hiện nay” của Thái Hồng Khang, Trung tâm Công nghệ cao su, Viện NCCSVN.