351, ấp 3, Bến Củi

Dương Minh Châu, Tây Ninh

0395 41 51 21

Zalo , Facebook

T2 - CN : 7:30 - 19:00

Liên hệ tư vấn và báo giá

CÓ NÊN TRỒNG GIỐNG CAO SU RRIV 4 ?Trước những phân vân của một số bà con có ý định trồng cao su về các ý kiến đánh giá giống “RÊU BỐN” (RRIV 4) thường đối nghịch nhau và chưa ngã ngũ.Hiện nay vẫn còn bà con tìm mua giống RRIV 4 bất chấp tư vấn,khuyến cáo,can ngăn.Caosugiong.com xin đăng lại một bài viết cũ liên quan đến việc NÊN hay KHÔNG NÊN chọn RRIV 4 để bà con tham khảo và phổ biến đến những bà con không có điều kiện nắm bắt thông tin kỷ thuật hầu giúp họ có cơ sở để khỏi quyết định sai khi chọn giống.

 

(Riêng cơ sở CAO SU GIỐNG HẠNH đã thực hiện HỦY HOÀN TOÀN giống RRIV 4 từ 2009)

Nguồn tin: 

Nông Nghiệp VN, 25/08/2010

 

* Cục BVTV bỏ rơi miền Đông?

Dân tình hoảng loạn

Chiều 20/8, tại cửa hàng thuốc BVTV Tuấn Hương, TX Đồng Xoài (Bình Phước), rất nhiều người ghé mua thuốc với vẻ mặt lo lắng, bồn chồn. Tất cả đều chung một mục đích mua thuốc để trị bệnh rụng lá trên cao su. Anh Đông, nhà tại TX Đồng Xoài cho biết, gia đình anh có 5 ha trồng giống RRIV 4 đã được 4 năm (nhà anh chỉ có 3 ha, còn 2 ha trồng thuê cho người khác), đang xanh tốt bỗng nhiên lá bị đốm rồi cứ rụng dần. Theo khuyến cáo trên Đài Truyền hình Bình Phước, anh đã phun 2 lần thuốc Anvil cộng với Carbedaxim cộng với siêu bám dính. Tiền thuốc cộng tiền công lên đến 1 triệu/ha/lần, nhưng bệnh chỉ ngưng lại được 2 tuần, nay lại bị lại.

Giữa vòng người trong ngoài, chủ cửa hàng một tay cầm cành lá cao su bị bệnh, một tay cầm gói thuốc bột giơ tay hua – Bà con cứ tin tôi đi, dùng Anvil không hết được đâu vì “đô” thuốc đó nhẹ lắm. Phải dùng loại thuốc bột Malaxyl loại 500 này. Đây là thuốc mới, cực tốt. Nhưng nếu chỉ dùng Malaxyl thôi vẫn không đủ, phải hỗn hợp với Tilsuper. Cứ phi 1.000 lít, bà con pha cho tôi 20 gói loại này (gói 25 gr) cộng với 4 – 5 chai Tilsuper (loại 100 ml), phun 2 lần là ăn chắc. Bà con cứ tin tôi đi. Chỉ trong 1 tháng mà tôi đã bán ra đến 12 tỷ tiền thuốc rồi đấy.

Không ồn ào như Tuấn Hương, cửa hàng Thanh Chiến bày ra ngoài đủ loại thuốc có hoạt chất là Hexaconazole và Carbendazim của 5 – 7 Cty khác nhau, loại đắt thì đến 165.000 đ/lít, loại rẻ thì 100.000 đ/lít. Điều đặc biệt tại cửa hàng này là ngoài thuốc ra còn bày thêm phân bón lá siêu canxi và Sun phát kẽm. Khi được hỏi, ông nói – Tôi không dám khuyến cáo, nhưng nhiều người biết đều mua chúng kèm với thuốc vì các loại phân bón lá này đều làm cho lá khỏe, chống nấm bệnh tốt hơn.

Tại các xã An Thái, An Linh (Phú Giáo – Bình Dương), nơi phát hiện “bệnh lạ” đầu tiên, các nhà vườn đều phản ánh – Lúc mới phun thì khả quan lắm, nhưng chỉ được 2 tuần lại bị, phải phun lại, có người đã phun đến 5 lần. Đối diện với xã An Thái bên kia sông Bé là xã Nha Bích, thuộc huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Văn Hùng, người trông coi rẫy cho người khác ở TP. HCM cho biết – Toàn bộ diện tích 16 ha được trồng 3 giống khác nhau gồm RRIV 4, VM 515, PB 235 đều đã được phun 2 lần lúc chớm bệnh nhưng nay đều bị lại, riêng RRIV 4 bị nặng nhất phải nghỉ cạo, còn các giống khác đều giảm năng suất 30 – 40%, sản lượng trước đây đạt bình quân 700 kg/ngày, nay chỉ còn 400 kg.

Tại khu vực xã Tân Lập (Đồng Phú, Bình Phước), nơi có mấy ngàn ha cao su mới được trồng do chuyển đổi từ rừng, gần như khu nào cũng bị, bất kể giống gì – Bệnh lan rất nhanh, lúc đầu chỉ một vài cây có triệu chứng, 1 tuần sau đã lan khắp vườn – những người quản lý trang trại cho biết. Giám đốc Cty CP Cao su Đồng Phú, tuy rất muốn giấu thông tin vì sợ cổ phiếu rớt giá nhưng cũng đành rò rỉ: Cty ông có trên 1.000 ha bị nhiễm bệnh và đang tiến hành phun xịt theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu Cao su. Còn hiệu quả của việc phòng trừ – Chưa thể nói trước được.

Qua điện thoại, Chi cục trưởng BVTV Bình Dương cho biết, Bình Dương có 84.000 ha cao su tiểu điền, trong đó có 65.000 ha khai thác. Bệnh được phát hiện vào đầu tháng 6 ở huyện Phú Giáo lúc đầu chỉ vài chục ha trên giống RRIV 4, sau 2 tháng diện tích bị bệnh đã lên tới khoảng 4.000 ha trên hầu hết các giống ở khắp 4 huyện Phú Giáo, Tân Uyên, Bến Cát, Dầu Tiếng. Riêng 2 Cty thuộc Tập đoàn CNCS VN là Dầu Tiếng và Phước Hòa cũng bị nhưng ông không có số liệu. Cũng như Bình Dương, Chi cục trưởng BVTV Bình Phước chỉ biết rằng các Cty cũng bị đau nhưng không nắm được diện tích bị bệnh của từng Cty, riêng cao su tiểu điền theo báo cáo có 2.130 ha đã bị bệnh, nhưng con số thực có thể hơn gấp đôi. Mặt khác diện tích bị nhiễm đang tăng hàng ngày.

Cục BVTV quên miền Đông?

Ông Nguyễn Văn Đon, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Phước nói “Không phải bây giờ đụng chuyện tôi mới bức xúc mà đã nhiều lần, tại nhiều cuộc họp tôi đã phát biểu – Cục BVTV bỏ rơi miền Đông. Không phải chỉ trên cây cao su, mà cả trên điều, tiêu, trên cây ăn trái ở miền Đông các anh đều ngó lơ, trong lúc giá trị kinh tế của những cây trồng ở miền Đông là cực lớn, với giá như năm nay, doanh thu mỗi ha cao su trên 100 triệu, hàng nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ bỗng nhiên mất đi”.

Khi được hỏi về diện tích bị nhiễm bệnh trên cây cao su, Chi cục trưởng BVTV Tây Ninh cho biết – Theo chỉ đạo của Cục, chi cục mới cho cán bộ đi điều tra được 4 huyện ở phía Tây Bắc của tỉnh, còn các huyện ở phía Nam như Gò Dầu, Trảng Bàng chưa nắm được. Mà nếu có nắm được thì cũng không thể chính xác vì từ trước đến nay chúng tôi đâu có biết đến cao su. Tương tự, Chic cục trưởng BVTV Đồng Nai khất nhà báo “một tháng nữa may ra mới có số liệu”.

Trả lời câu hỏi đùa của tôi – Người ta đang chuẩn bị đổi tên cơ quan ông thành Trung tâm BVTV ĐBSCL rồi đấy, Thạc sỹ Hồ Văn Chiến, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam, một diễn giả đắt khách có nhiều show trên truyền hình cho biết – “Không vươn ra được, người đâu mà làm, biết gì mà nói”. Còn nhớ Trung tâm này từng một thời binh hùng tướng mạnh với trên 40 CBCNV nhưng hiện nay, theo ông Chiến, tất tần tật chỉ còn 23 người, trong đó có tới 11 hợp đồng, 4 cán bộ hành chính.

Trưởng phòng Quản lý sinh vật hại cây rừng Khuông Quang Việt, Cục BVTV, đặc phái viên của Bộ trưởng mới thị sát tình hình bệnh hại trên cao su tuần trước cho biết – Đã lấy mẫu giám định nhưng còn phải chờ kết quả. Sắp tới Cục sẽ tổ chức cuộc hội thảo chuyên đề về bệnh này nhưng nhanh nhất cũng phải chuẩn bị hơn 1 tháng nữa; thành phần khách mời sẽ mở rộng không những các viện trong ngành mà còn cả trường ĐH Nông Lâm, ĐH Cần Thơ. Cây cao su đã có hẳn một viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu cao su hoành tráng, ngoài viện này thì chưa có một nghiên cứu nào về cao su; trong danh mục thuốc BVTV không hề có một loại thuốc nào được đăng ký, khảo nghiệm nào cho cao su. Khi tôi liên lạc với anh Dũng, Viện phó thì anh Dũng cho biết – Bệnh cũng thường thôi”.

BÀI HỌC ĐỚN ĐAU MANG TÊN RRIV 4

Giống cao su vô tính RRIV 4, giống mang nấm Corynespora rồi lây làn cho cả vùng cao su, do Viện Nghiên cứu cao su lai tạo, được công nhận cho sản xuất diện rộng năm 1997. RRIV 4 từng là niềm tự hào của cao su VN vì năng suất cao và được TCty Cao su VN (cũ) đưa vào cơ cấu giống cho vùng miền Đông Nam bộ. Mãi đến năm 2008, giống này mới bị Tập đoàn Công nghiệp cao su VN cấm trồng vì “quá mềm yếu, dễ đổ gãy”. Ngoài ra RRIV 4 còn có đặc tính không giống ai, cây cứ phát triển và cong ngọn xuống như tre, khiến nhà vườn cứ phải thuê người đốn ngọn” nên năng suất trong điều kiện sinh trưởng bình thường, không bệnh hại thì cũng chỉ đạt khoảng 60% so với lý thuyết

Việc chống chịu bệnh kém của RRIV chỉ được ghi một dòng chung chung – Dễ nhiễm bệnh héo đen đầu lá. Nhiễm nhẹ các loại bệnh khác. Tuy đã bị loại nhưng mùa này giống RRIV 4 vẫn được sản xuất và bán vẫn đắt hàng. Đã có bao nhiêu ha RRIV 4? Có người đưa ra con số 100.000 ha. Nếu con số này tin được thì thiệt hại của ngành cao su chẳng khác Vinashin, vì phải chặt bỏ đi trồng mới giống khác.

QUANG NGỌC

Liên hệ ngay
Xin chào! Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
Gọi ngay