Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2015, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; sự chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành quản lý, sản xuất kinh doanh của VRG vẫn có lãi và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội…
Vượt khó, duy trì tăng trưởng
Đánh giá về tình hình năm 2015, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cho rằng đây là năm rất khó khăn khi giá bán mủ cao su xuống thấp. Nguyên nhân là do cung lớn hơn cầu, giá dầu thô giảm và mức tăng trưởng kinh tế của các nước sử dụng cao su thiên nhiên chưa cao. Dự báo trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2015, Ban lãnh đạo VRG đã đề ra các chủ trương đúng đắn; đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với mục tiêu đảm bảo sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, đảm bảo có lợi nhuận, duy trì thu nhập ổn định cho CNLĐ.
Trong đó, VRG tập trung tiết giảm suất đầu tư theo vùng miền; tiết kiệm tối đa chi phí để giảm giá thành; tăng cường xen canh trên vườn cây cao su nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khuyến khích, vận động CNLĐ phát triển kinh tế gia đình nhằm tăng thu nhập… Cùng với đó, tăng cường chế độ cạo D4 nhằm đảm bảo năng suất vườn cây, năng suất lao động và thu nhập cho CNLĐ.
Trong năm 2015, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đã có các buổi làm việc với các CTCS theo từng vùng miền để quán triệt, chỉ đạo thực hiện các chủ trương trên, đặc biệt là về giảm suất đầu tư. “Tiết giảm suất đầu tư là yêu cầu bắt buộc, vì vậy phải thực hiện quyết liệt, nếu giữ nguyên suất đầu tư như cũ thì sẽ không hiệu quả”, TGĐ Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh.
Về tiêu thụ, bên cạnh duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống, các đơn vị còn tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường, thay đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Với nhiều biện pháp điều hành năng động linh hoạt, sáng tạo và tổ chức quản lý chặt chẽ, dù giá cao su giảm trên 30% so với năm 2014, nhưng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của VRG đều đạt trên 90% so kế hoạch. Đặc biệt, VRG đã khai thác vượt 15.872 tấn mủ, hoàn thành trước kế hoạch 15 ngày.
Chủ động ứng phó với tình hình năm 2016
Diễn biến tình hình và các phân tích, dự báo cho thấy năm 2016 ngành cao su sẽ tiếp tục đương đầu với nhiều gian nan, thử thách. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo VRG đã đề ra các chủ trương lớn và xây dựng các kịch bản điều hành, quản lý phù hợp với thực tiễn.
TGĐ Trần Ngọc Thuận cho biết, năm 2016 VRG tiếp tục thực hiện các chủ trương lớn: tiếp tục rà soát giảm suất đầu tư theo vùng miền; tiết giảm giá thành; quyết liệt thoái vốn, cổ phần hóa; tích cực tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường; tập trung chăm sóc nâng cao chất lượng vườn cây; dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ… “Trong khó khăn, các đơn vị cần thể hiện sự năng động, sáng tạo và linh hoạt trong điều hành. Chúng ta nên tin tưởng, lạc quan theo hướng chủ động”, TGĐ Trần Ngọc Thuận chỉ đạo.
Về khai thác, VRG sẽ quản lý việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi nhịp cạo khai thác sang D4 nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo thu nhập cho NLĐ. Đồng thời thí điểm triển khai chế độ cạo D5, D6 tại một số đơn vị thuộc khu vực Đông Nam bộ.
Đối với công tác tái canh – trồng mới, VRG thống nhất chủ trương dừng trồng mới cao su trong năm 2016, chỉ xem xét phát triển thêm diện tích đối với một số trường hợp đặc thù khoảng 2.000 ha. Bên cạnh đó, VRG sẽ xem xét tăng cường diện tích tái canh các vườn cây già cỗi, năng suất kém để trồng lại bằng các giống mới có năng suất cao, đồng thời tận dụng tối đa nguồn gỗ cao su thanh lý để tăng doanh thu, lợi nhuận cho các đơn vị thành viên. Trong công tác cổ phần hóa, năm 2016 VRG sẽ tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ – Tập đoàn và CTCS Phú Riềng, Bình Long, Lộc Ninh.
Về chiến lược phát triển, TGĐ Trần Ngọc Thuận cho biết: “Phấn đấu đến năm 2020, cao su thiên nhiên xuất thô giảm xuống còn 50 – 60%. VRG chủ động tăng cường liên doanh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su như chỉ thun, nệm mút, găng tay và đang nghiên cứu sản xuất vỏ xe mang thương hiệu Cao su VN. Đồng thời, xây dựng KCN, cụm công nghiệp có đầu tư hạ tầng tốt nhất để các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư sản phẩm công nghiệp cao su được hưởng dịch vụ tối ưu. Với tiềm năng cây cối, đất đai và nguồn lực sẵn có, tôi tin rằng VRG sẽ đồng lòng, đồng sức vượt qua khó khăn”.
Minh Nhiên (ghi) – Tạp Chí Cao Su Việt Nam